Không sử dụng INCOTERMS trong giao dịch thương mại nội địa-Thiếu sót và lãng phí của các doanh nghiệp

Mục lục (Ẩn / Hiện)
“Incoterms”- viết tắt của “International commercial terms” (Các Điều kiện Thương mại Quốc tế), là một bộ các quy tắc do Phòng Thương mại Quốc tế (International Chamber of Commerce) ban hành để giải thích các điều kiện thương mại phản ánh thực tiễn nghĩa vụ giao nhận hàng hóa giữa các bên mua và bán trong các hợp đồng mua bán hàng hóa.


Các quy tắc Incoterms mô tả:

 Trách nhiệm: Ai làm gì? Ví dụ, ai thu xếp vận chuyển hoặc bảo hiểm hàng hóa hoặc ai lấy chứng từ gửi hàng và giấy phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu;

 Rủi ro: Người bán hàng “giao hàng” ở đâu và khi nào, hay nói cách khác, rủi ro chuyển từ người bán sang người mua ở đâu và khi nào;

 Chi phí: Bên nào phải trả các chi phí, ví dụ như chi phí vận chuyển, bảo hiểm, đóng gói bao bì, bốc hàng hoặc dỡ hàng, và kiểm tra hoặc chi phí liên quan đến kiểm tra an ninh.

Incoterms được ban hành đầu tiên nhằm áp dụng cho mua bán quốc tế. Tuy nhiên, Incoterms cũng có thể được áp dụng cho các hợp đồng mua bán nội địa thuần túy bằng cách dẫn chiếu trong hợp đồng. Khi Incoterms được sử dụng trong buôn bán nội địa, những quy định liên quan tới việc xuất khẩu và nhập khẩu sẽ không được áp dụng.

Ngay trên trang bìa của Incoterms® 2010 và Incoterms® 2020 đều ghi rõ “CÁC QUI TẮC CỦA ICC CHO VIỆC SỬ DỤNG CÁC ĐIỀU KIỆN THƯƠNG MẠI NỘI ĐỊA VÀ QUỐC TẾ” (ICC Rules for the USE OF DOMESTIC AND INTERNATIONAL TRADE TERMS)

Thực tiễn thương mại hiện nay, ngày càng nhiều thương nhân sử dụng những quy tắc Incoterms cho những hợp đồng mua bán nội địa. Ở Mỹ, trước đây hầu như chỉ sử dụng những điều kiện giao hàng của Bộ Luật Thương mại Thống nhất (UCC), ngày nay xu hướng sử dụng các quy tắc Incoterms trong buôn bán nội địa rất phổ biến.

Tại Việt Nam, các hợp đồng xuất nhập khẩu đều phải sử dụng Incoterms trong khi các hợp đồng mua bán nội địa rất hiếm khi dẫn chiếu đến Incoterms. Việt Nam chưa có văn bản pháp lý nào qui định về những điều kiện thương mại, vì vậy càng cần phải sử dụng Incoterms trong hợp đồng mua bán nội địa. Việc sử dụng Incoterm trong hợp đồng mua bán kể cả nội địa lẫn quốc tế, sẽ mang lại những thuận lợi cho cả người bán và người mua trong giao dịch mua bán.

Việc dẫn chiếu Incoterms vào hợp đồng mua bán xác định một cách rõ ràng nghĩa vụ của các bên mua bán. Nó giúp các bên đạt được mức độ chắc chắn liên quan đến trách nhiệm của người bán và người mua để giảm đi sự bất lợi. Ngoài ra, Incoterms đảm bảo sự cân bằng hợp lý giữa quyền lợi và nghĩa vụ của các bên để ngăn ngừa được tranh chấp xảy ra. Ngay cả khi tranh chấp xảy ra, Incoterms cũng giúp cho các bên cũng như người hòa giải, người xét xử giảm đáng kể thời gian và nỗ lực để làm rõ một số vấn đề. Do đó, việc sử dụng Incoterms có thể tạo thuận lợi cho doanh nghiệp bằng cách giảm thiểu chi phí giao dịch và giảm rủi ro thương mại.

Incoterms có nhiều quy tắc thích hợp cho nhiều phương thức vận tải khác nhau, nhiều cách phân chia khác nhau về rủi ro, chi phí giữa người bán và người mua. Vì vậy, các bên có thể lựa chọn quy tắc phù hợp nhất với khả năng và mong muốn của mình trong một giao dịch cụ thể.

Incorterms được ICC xuất bản từ năm 1936 và thường xuyên được cập nhật nhằm theo kịp sự phát triển của thực tiễn thương mại. Bên cạnh đó, mỗi lần xuất bản một Incoterms mới, ICC luôn xuất bản tài liệu “Hướng dẫn sử dụng Incoterms” kèm theo, điều này làm cho việc hiểu và sử dụng Incoterms dễ dàng hơn.

Tóm lại, Incoterms nên được các doanh nghiệp sử dụng cho cả giao dịch thương mại quốc tế và nội địa. Việc sử dụng Incoterms sẽ giúp các bên trong giao dịch giảm bớt thời gian, chi phí, công sức trong việc đàm phán, soạn thảo hợp đồng mua bán. Bên cạnh đó, sử dụng Incoterms không những giúp các bên ngăn ngừa và giải quyết tranh chấp dễ dàng mà còn giúp doanh nghiệp mua hoặc bán tăng sức cạnh tranh và thực hiện được những chiến lược kinh doanh của mình một cách hiệu quả.

Khóa học nổi bật

Các khóa học sắp diễn ra

Tin tức nổi bật

Xem thêm

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN KHÓA HỌC