Cuộc Họp Uỷ Ban Định Hướng Dự án VJCC lần thứ 4 (2016-2021)

Mục lục (Ẩn / Hiện)
Ngày 30/6/2021, Cuộc họp Ủy Ban định hướng Dự án VJCC thường niên đã được tổ chức trên nền tảng kết nối trực tuyến giữa Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh và Tokyo Nhật Bản.

 

 “Dự án đưa VJCC trở thành trọng điểm phát triển và kết nối nguồn nhân lực kinh doanh của Việt Nam và Nhật Bản” đang trong giai đoạn 5 năm (2016-2021). Do vậy, buổi họp vừa có ý nghĩa tiếp nối thông lệ của Dự án, là cùng nhìn lại hoạt động của năm thứ tư và nửa đầu năm thứ 5 trong giai đoạn này, vừa có ý nghĩa là năm bản lề, quan trọng trong việc thảo luận về những kế hoạch mới trong giai đoạn tiếp theo của Dự án VJCC.

Ảnh 1: Cuộc họp Uỷ Ban định hướng lần thứ 4 Dự án VJCC (2016-2021) ngày 30/6/2021

Cuộc họp do PGS.TS. Bùi Anh Tuấn – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, Giám đốc Dự án VJCC điều hành, cùng sự tham dự của ông Akira Shimizu – Trưởng đại diện và ông Naomichi Murooka – Phó trưởng đại diện JICA Việt Nam. Tham dự cuộc họp còn có sự hiện diện của PGS.TS. Lê Thị Thu Thủy – Chủ tịch Hội đồng Trường, PGS. TS. Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng, PGS.TS. Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng, PGS. TS. Nguyễn Thị Hiền – Viện trưởng Viện VJCC, ông Karasawa Masayuki – Cố vấn trưởng Dự án VJCC. Từ văn phòng JICA trụ sở chính tại Tokyo, ông Funabashi Gaku – Cố vấn cấp cao, và ông Harasawa Ryoma – cán bộ phụ trách dự án tham gia họp trực tuyến. Về phía phân Viện VJCC TP. Hồ Chí Minh có sự tham gia của ông Tô Bình Minh – Phó Viện trưởng kiêm Giám đốc Phân viện VJCC TpHCM và bà Ogawa Kumiko – Điều phối viên Dự án JICA.

Ảnh 2: PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương, Giám đốc Dự án VJCC điều hành của họp.

Tại buổi họp, PGS. TS. Nguyễn Thị Hiền, Viện trưởng Viện VJCC đã báo cáo tóm tắt những kết quả đã đạt được cùng những khó khăn phải đối mặt trong năm thứ 4 và nửa đầu năm thứ 5 của dự án (từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2021). Viện trưởng nhấn mạnh những nỗ lực của Viện VJCC trong việc triển khai hình thức “đào tạo từ xa”- học viên tập trung tại Viện VJCC và online trực tiếp với chuyên gia từ Nhật Bản, nhằm đảm bảo tính tương tác giữa học viên với học viên, học viên với chuyên gia cho các chương trình học như KEIEIJUKU. Ngoài ra, Viện trưởng khẳng định Covid gây ra nhiều hạn chế, nhưng cũng tạo cơ hội để VJCC dành thời gian nâng cao năng lực của nhân sự, đầu tư phần mềm quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu nội bộ và triển khai mới nền tảng hoạt động E- Marketing của Viện VJCC.  

Ảnh 3: PGS. TS. Nguyễn Thị Hiền, Viện trưởng Viện VJCC đã báo cáo tóm tắt những kết quả đã đạt được cùng những khó khăn phải đối mặt trong năm thứ 4 và nửa đầu năm thứ 5 của dự án (từ tháng 9/2019 đến tháng 2/2021).


Đặc biệt, toà nhà Phân viện VJCC TpHCM cũng mới được cải tạo, nâng cấp khang trang, đáp ứng yêu cầu của các đối tác khách hàng và xã hội. Website mới vjcc.com.vn ra mắt vào ngày 17/6/2021vừa qua cũng là kết quả của quá trình thực hiện kế hoạch đổi mới giao diện trang web, kết nối với các kênh truyền thông khác của Viện VJCC, đồng thời thống nhất hoạt động đào tạo của VJCC ở Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh.

Ảnh 4: Trong cương vị cố vấn trưởng Dự án VJCC, ông Karasawa Masayuki đã bổ sung một số minh chứng về kết quả hoạt động của Dự án trong từng hạng mục đầu ra.


Trong cương vị cố vấn trưởng Dự án VJCC, ông Karasawa Masayuki đã bổ sung một số minh chứng về kết quả hoạt động của Dự án trong từng hạng mục đầu ra.  Qua khảo sát 151 doanh nghiệp cựu học viên KEIEIJUKU, 62% số doanh nghiệp được hỏi khẳng định số lượng nhân sự và doanh thu tăng sau khi áp dụng kiến thức của Keieijuku, 35% doanh nghiệp đã tăng cường hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản và nước ngoài. Điều này cho thấy ý nghĩa thực tiễn của những kiến thức mà chương trình Kinh doanh cao cấp KEIEIJUKU đã và đang mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, ông Karasawa nhận định hai chương trình KEIEIJUKU và Cử nhân Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản (JIB) là “2 bánh xe trong vận hành Dự án VJCC”, có quan hệ cộng hưởng và tương hỗ: Doanh nhân KEIEIJUKU sẽ chia sẻ lời khuyên và kinh nghiệm thực tiễn cho các sinh viên JIB trong quá trình học tập. Ngược lại, sinh viên JIB cũng là nguồn nhân lực trẻ và có chất lượng cao, đáp ứng đúng yêu cầu của doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.

 


Ảnh 5 - 6: Các thành viên Ủy ban định hướng đều đánh giá cao kết quả thực hiện của Dự án, ghi nhận nỗ lực của tập thể lãnh đạo và cán bộ Viện VJCC.

Các thành viên Ủy ban định hướng đều đánh giá cao kết quả thực hiện của Dự án, ghi nhận nỗ lực của tập thể lãnh đạo và cán bộ Viện VJCC. Phát biểu tại buổi họp, ông Shimizu Akira- Trưởng đại diện JICA Việt Nam mong muốn Viện VJCC tiếp tục giữ vững và duy trì những thế mạnh của mình trong các hoạt động đào tạo, kết nối doanh nghiệp Nhật Bản với doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp KEIEIJUKU với các sinh viên chương trình Cử nhân kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản. Ông khẳng định trong thời gian sắp tới, JICA Việt Nam và Trường ĐH Ngoại thương sẽ tăng cường trao đổi, thảo luận để định hướng cho các hoạt động trong tương lai của Dự án VJCC nói riêng và của Viện VJCC nói chung.

 

Ảnh 7: Kết thúc Cuộc Họp Uỷ Ban Định Hướng Dự án VJCC lần thứ 4 (2016-2021)

Cùng với sự chỉ đạo, hỗ trợ và ủng hộ tích cực của các cơ quan, tổ chức chính phủ hai nước Việt Nam, Nhật Bản, Viện VJCC sẽ tiếp tục vững bước trong giai đoạn mới, giải quyết những khó khăn hiện tại, hoàn thành nhiệm vụ mục tiêu của dự án, đáp lại kỳ vọng của Trường ĐH Ngoại thương, Cơ quan JICA, các Bộ Ban ngành và đặc biệt là của các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội.

Khóa học nổi bật

Các khóa học sắp diễn ra

Tin tức nổi bật

Xem thêm

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN KHÓA HỌC