Đâu là lời giải cho bài toán lao động sau năm 2021?
I. Cái nhìn tổng quan về bài toán nhân sự năm 2021
-
Thực trạng nhân sự toàn nền kinh tế
Kinh tế Việt Nam trong 2 thập kỷ qua có nhiều chuyển biến rõ rệt, trong đó nền kinh tế công nghiệp phát triển nhờ sự đóng góp chủ chốt của các ngành sản xuất nói chung (chiếm hơn 50% toàn nền kinh tế) và ngành du lịch (chiếm hơn 40%). Và cũng nhờ đó, nguồn nhân lực Việt Nam cũng đổ dồn hầu hết vào những ngành nghề này, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất đã và đang giải quyết vấn đề lao động đến tận những vùng miền nhỏ lẻ. Ngoài ra, một lượng lớn lao động cũng được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, … và cũng mang lại nhiều lợi nhuận cho nền kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, do sự tác động đột ngột và kéo dài của đại dịch Covid-19 toàn cầu, trước hết là châu Á từ cuối năm 2019, nền kinh tế thế giới chững lại bất chấp những cố gắng ngăn chặn dịch và phát triển kinh tế của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm 2020 là 3,82%, mức thấp nhất trong thập kỷ vừa qua (GSO 2020). Và chính vì đây là đại dịch tác động đến sức khoẻ con người, nên nguồn lao động chính là yếu tố bị tác động mạnh mẽ nhất.
Ở Việt Nam, có thể nói nguồn lao động trong thời kỳ Covid trở nên hỗn loạn khi nhiều ngành nghề bắt buộc phải cắt giảm lao động do quá thừa thãi, thì mặt khác, một số ngành nghề lại gặp tình trạng thiếu lao động đủ trình độ đến trầm trọng. Ngoài ra, sự ảnh hưởng của Covid-19 đến nguồn cung và phân phối cũng như dòng tiền của doanh nghiệp cũng là nhân tố quyết định sự ra đi hay ở lại của người lao động.
-
Nhân sự trong một số ngành kinh tế chủ chốt
Theo một báo cáo mới nhất về tác động của Covid-19 đến lao động của một số ngành kinh tế chủ chốt của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), “tới ¼ DN tham gia khảo sát đã phá sản hoặc tạm ngừng kinh doanh”. Đặc biệt, báo cáo này cũng đề cập tới những doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhóm doanh nghiệp được ưu tiên phát triển trong những năm gần đây của Việt Nam, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sự tắc nghẽn vận tải quốc tế và các yếu tố khác.
Với ngành du lịch, Covid-19 đã giáng một cú đánh rất mạnh vào tổng thể ngành này, khiến ngành đang trên đà phát triển vô cùng triển vọng của Việt Nam lại tụt dốc đáng thất vọng. Giãn cách xã hội, không tiếp xúc trực tiếp, hạn chế đi lại, vận tải đóng băng… tất cả các nguyên nhân này dẫn đến người lao động trong ngành du lịch bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng. Trên thực tế, du lịch chững lại cũng dẫn đến sự ngưng trệ của nhóm ngành vận tải hành khách, và đương nhiên, người lao động trong lĩnh vực này cũng bị ảnh hưởng.
Với các ngành chế tạo để xuất khẩu như thực phẩm, đồ uống hay chế biến gỗ, dệt may cũng bắt buộc phải cắt giảm lao động do nguồn cung bị chặt đứt, đơn đặt hàng huỷ liên tiếp, phân phối không đủ, doanh thu không có. Ngoài ra, các ngành chế tạo sản phẩm tiêu dùng điện tử chuyên dụng như camera, máy in, linh kiện điện tử cho ô tô và máy móc cũng không phải một ngoại lệ.
-
Doanh nghiệp và lao động
Lao động là một trong những yếu tố không thể xem nhẹ đối với doanh nghiệp nói riêng và toàn thể nền kinh tế nói chung. Doanh nghiệp tồn tại và hoạt động như nào tất yếu sẽ ảnh hưởng tới lao động. Cuộc sống tinh thần và vật chất của lao động cũng theo đó mà ảnh hưởng tới kết quả sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, bởi suy cho cùng, lao động tạo ra sản phẩm, nhưng cũng tiêu thụ sản phẩm.
Vô cùng quan trọng là thế, nhưng quan hệ của doanh nghiệp và lao động đã như thế nào trong Covid-19, và sẽ đi về đâu sau Covid-19, tất cả phụ thuộc vào quyết định của doanh nghiệp.
II. Các doanh nghiệp đang làm gì?
-
Biện pháp ứng phó của doanh nghiệp
Ngoài những biện pháp bất khả kháng như tạm dừng hoạt động bắt buộc một phần hoặc toàn phần, phá sản hay giải thể, những doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động phải tìm giải pháp khác để tiếp tục tồn tại và hoạt động. Trong đó phải kể đến các biện pháp liên quan tới lao động.
Theo báo cáo của ILO, các biện pháp liên quan tới lao động bao gồm việc thay đổi cách làm việc như làm việc tại nhà, thời gian làm việc linh hoạt, giãn cách xã hội và các biện pháp cắt giảm chi phí như giảm lương, tạm ngừng hợp đồng lao động và cắt giảm lao động. Không thể phủ nhận, những biện pháp này đã và đang ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của người lao động.
Đa số các DN (tương đương ⅔ tổng số doanh nghiệp) bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã áp dụng các biện pháp giảm chi phí lao động thay vì tìm kiếm các nguồn doanh thu thay thế hoặc tìm các thị trường, khách hàng mới hay tìm cách tạo ra các sản phẩm mới. Nguyên nhân là do trong một thời gian ngắn và khó dự đoán trước như thời kỳ Covid-19, việc thay đổi kế hoạch kinh doanh là vô cùng khó khăn. Ngoài ra, chi phí lao động cũng là một khoản lớn trong tổng chi phí sản xuất của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất. Do đó, khi các đơn hàng bị trì hoãn hoặc hủy thì việc cắt giảm chi phí lao động trở thành điều không thể tránh khỏi với các doanh nghiệp.
-
Xu hướng điều chỉnh lao động
Những ảnh hưởng tiêu cực này của Covid-19 tới doanh nghiệp đã dẫn đến quyết định thay đổi cơ cấu lao động trong doanh nghiệp. Theo đó, “Khoảng 2/3 số DN đã áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí lao động. Đối với các DN vẫn hoạt động, các biện pháp giảm chi phí như cho NLĐ nghỉ việc không lương hoặc giảm giờ làm đã tác động đến trên 30% NLĐ”. Đặc biệt phải kể đến nguồn lao động trình độ trung bình, kém, lao động ngắn hạn, thời vụ và lao động nữ, cao tuổi, mặc dù đây là nhóm lao động chiếm phần đông trong tổng số lao động.
Có thể thấy từ kết quả của nhiều báo cáo gần đây, lao động ngắn hạn, tạm thời thường là đối tượng “bị ưu tiên” cắt giảm đầu tiên trong Covid-19. Không chỉ vậy, lao động không đủ trình độ cũng là một đối tượng bị cắt giảm tương đối.
Cũng theo báo cáo của ILO, lao động lớn tuổi, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai và mới lập gia đình cũng bị cắt giảm nhiều trong các doanh nghiệp sản xuất chủ yếu là đồ điện tử hay chế biến gỗ, do hạn chế thời gian cho gia đình năng suất lao động thấp.
-
Triển vọng hay bế tắc?
Đây cũng là câu hỏi không chỉ của doanh nghiệp, người lao động mà còn của cả nền kinh tế trong bối cảnh Covid-19 “tung hoành ngang dọc" như hiện nay. Vậy đâu là tương lai của người lao động, tươi sáng rộng mở, hay tăm tối bế tắc?
Theo nhiều báo cáo của các tổ chức lao động, hơn 1/3 doanh nghiệp cho rằng thời gian chính là “liều thuốc" hiệu quả nhất để phục hồi hoạt động, số khác lại cho rằng thời gian là không đủ mà cần phải có hỗ trợ. Vấn đề lao động, nói cách khác là chi phí để duy trì lao động phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Để ổn định dòng chi phí này, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ trong việc giảm thuế phí (Bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, lương thưởng chế độ…) cũng như lãi suất nói chung.
Tuy nhiên, trên thực tế, không nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch đã tiếp cận được các chương trình ưu đãi của Chính phủ chẳng hạn như Thông tư 01/2020/TT-NHNN của NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài… Nguyên nhân hoàn toàn dễ hiểu là hệ thống quy trình, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà và thiếu hiệu quả, điều kiện vay vốn hay nhận ưu đãi cũng không hề dễ dàng.
Như vậy, triển vọng hay bế tắc không chỉ phụ thuộc vào doanh nghiệp hay người lao động, mà còn phụ thuộc vào bàn tay của Chính phủ, tổ chức hoạt động của bộ máy Nhà nước các cấp cũng như quyết định của các tổ chức tài chính có liên quan.
III. Đâu là lời giải cho bài toán nhân lực sau năm 2021?
Năm 2021 sắp đi qua, cả thế giới vẫn còn đặt ra câu hỏi: “Liệu Covid-19 sẽ diễn biến như thế nào?”. Không ai có thể ngờ được một dịch bệnh từ Trung Quốc lại có thể tác động mạnh mẽ như vậy đến nền kinh tế toàn cầu. Và người lao động, những người chịu ảnh hưởng lớn nhất của đại dịch này, cũng đang đau đầu tìm ra lối đi cho mình trong tương lai.
Về phía chính người lao động, điều quan trọng nhất là tìm ra giải pháp để thích ứng được với mọi hoàn cảnh và sự thay đổi của nền kinh tế. Như đã được đề cập ở trên, nguồn lao động chất lượng trung bình, thấp và lao động thời vụ bị cắt giảm nhiều nhất. Đây cũng chính là lời cảnh báo về chất lượng lao động nhìn chung tại Việt Nam hiện nay. Vậy cách tối ưu và lâu dài nhất chính là nâng cao chất lượng lao động, ví dụ như tự học hỏi thêm các kỹ năng khác nhau (ngôn ngữ, giao tiếp…), nâng cao năng suất, đảm bảo sức khỏe tinh thần và thể chất…
Về phía doanh nghiệp, đảm bảo mối quan hệ với người lao động chính là một trong những giải pháp hiệu quả. Đối thoại, giúp đỡ, hỗ trợ, đồng hành… chính là những gì doanh nghiệp có thể làm được vì người lao động của mình.
Về phía Chính phủ và các tổ chức liên quan, nên có những hỗ trợ kịp thời và toàn diện, kèm với đó là tối ưu hoá quy trình, thủ tục để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động tiếp cận một cách dễ dàng nhất với các gói hỗ trợ.
Nói tóm lại, niềm tin của người lao động và sự ổn định của doanh nghiệp chính là bước đi vững chắc và lâu dài nhất cho một nền kinh tế còn non trẻ và đang trên đà phát triển như Việt Nam.
Ban Đào tạo Doanh nghiệp - Viện VJCC
BÀI VIẾT CÙNG DANH MỤC
Khóa học nổi bật
-
Kiểm soát cảm xúc trong công tác quản trị
Thời gian : 2 ngàyGiảng viên : Bà Trương Ngọc Mai Hương
-
Quản trị tài chính cho lãnh đạo doanh nghiệp
Thời gian : 2 ngàyGiảng viên : TS. Nguyễn Tấn Bình
-
QC GEMBA – HOẠT ĐỘNG QUÀN LÝ CHẤT LƯỢNG
Thời gian : 3 ngàyGiảng viên : Ông Trần Hữu Anh Tuấn
-
Chương trình Cử nhân Kinh doanh Số - DB
Thời gian : 4 nămGiảng viên : ĐH Ngoại thương và các trường ĐH Nhật Bản
Các khóa học sắp diễn ra
-
KHÓA HỌC BIÊN-PHIÊN DỊCH TIẾNG NHẬT THƯƠNG MẠI tại TP. HCM THÁNG 2/2025
Thời gian : 15/02/2025 - 09/3/2025 8 buổi/24 giờ)Giảng viên : ThS. Võ Thị Mai Hương
-
KHÓA HỌC NHẬP MÔN TIẾNG NHẬT dành cho người mới bắt đầu (OFFLINE)
Thời gian : 28 buổi, Từ 06/01/2025 đến 05/05/2025, 2 buổi/ tuần: Thứ 2 & Thứ 5 (18:30 - 20:30)Giảng viên : Cô Hà Thị Hường, Cô Nguyễn Quỳnh Trang, Thầy Kodama
-
KHÓA HỌC NHẬP MÔN KẾ TOÁN TIẾNG NHẬT (ONLINE)
Thời gian : Từ ngày 28/02/2025 - 02/05/2025Giảng viên : Hiệp hội phổ cập kế toán Nhật Bản tại Việt Nam (ABPV)
-
KHÓA HỌC NGHIỆP VỤ KẾ TOÁN TÀI CHÍNH - BOKI 2 KYUU SHOUGYOU (ONLINE)
Thời gian : Ngày 07/01/2025 ~ 06/5/2025Giảng viên : Hiệp hội phổ cập kế toán Nhật Bản tại Việt Nam (ABPV)