HỌC VIÊN CHƯƠNG TRÌNH KINH DOANH CAO CẤP KEIEIJUKU ĐƯỢC TRẢI NGHIỆM NHỮNG GÌ TRONG KỲ THỰC TẬP TẠI NHẬT BẢN?

Mục lục (Ẩn / Hiện)
Trong 10 ngày từ 16-25/07/2024, Viện VJCC đã tổ chức chuyến thực tập tại Nhật Bản cho gần 30 học viên Keieijuku Khóa 7 Hải Phòng tại 2 thành phố Kitakyushu và Kobe. Với lịch trình làm việc được thiết kế khoa học cùng khối lượng kiến thức mang tính thực chiến cao, kỳ thực tập tại Nhật Bản được đánh giá là một trong những kỳ học tập độc đáo nhất của chương trình Keieijuku. Vậy đâu là những điểm khiến cho kỳ thực tập này trở nên đặc biệt đến vậy?
Hình ảnh 1: Ảnh lưu niệm buổi lễ trao chứng chỉ hoàn thành Kỳ học cho các học viên Keieijuku Khóa 7 Hải Phòng
 
1. THAM QUAN VÀ GIAO LƯU KẾT NỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP NHẬT BẢN 
Trong thời gian diễn ra kỳ học, đoàn học viên đã tham quan tổng cộng 6 doanh nghiệp Nhật Bản thuộc 6 lĩnh vực khác nhau. Trong đó, 2 doanh nghiệp lâu đời nhất trong số này là Matsumoto Kogyo, 1 công ty sản xuất phụ tùng ô tô được thành lập từ năm 1966 và Nippon Steel, doanh nghiệp thép lớn nhất và lâu đời nhất Nhật Bản được thành lập vào năm 1901. Trong khi triết lý kinh doanh vững chắc và duy trì gia huấn là cách để Matsumoto Kogyo tồn tại và phát triển thì với Nippon Steel, số lượng công xưởng và công nghệ nung luyện thép đạt chuẩn lại là yếu tố khiến cho doanh nghiệp này được mệnh danh là nơi duy trì ngành công nghiệp xương sống của đất nước mặt trời mọc trong suốt những năm vừa qua.
Hình ảnh 2: Ảnh lưu niệm buổi tham quan doanh nghiệp Matsumoto Kogyo. Tại đây, các học viên được ông Matsumoto Shigeki - Giám đốc đại diện, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty đích thân đón tiếp


Hình ảnh 3: Ảnh lưu niệm buổi tham quan nhà máy thép của doanh nghiệp Nippon Steel, doanh nghiệp thép lớn nhất và lâu đời nhất Nhật Bản
 
Sáng ngày 18/7, đoàn đã có chuyến thăm doanh nghiệp dệt Kokura Shima Shima. Tại đây, các học viên được lắng nghe về quá trình khôi phục loại vải truyền thống Kokura-ori kết hợp với dây chuyền sản xuất và thiết kế tinh xảo để tạo ra các sản phẩm đã làm nên thương hiệu của công ty.
Hình ảnh 4: Học viên được lắng nghe về lịch sử và nguồn gốc của loại vải Kokura-ori tại công ty Kokura Shima Shima
 
Vào buổi chiều cùng ngày, các học viên được chiêm ngưỡng quy trình chiết xuất vàng từ phế liệu tại công ty Astec Irie, doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành tái chế sắt và rác thải điện tử tại Nhật Bản. Đoàn cũng đã có cơ hội tham quan triển lãm xanh Ecotown – triển lãm tập hợp toàn bộ những thành quả tái chế, tái sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên của thành phố Kitakyushu.
Hình ảnh 5-6: Các học viên chứng kiến quá trình chắt lọc vàng từ phế thải kim loại tại công ty Astec Irie và tham quan triển lãm xanh Ecotown
 
Trong nửa sau của kỳ học (21-25/07), các học viên được tham quan 2 doanh nghiệp có trụ sở tại thành phố Kobe. Mở đầu là IMV, một doanh nghiệp đa ngành nghề với thế mạnh là chuyển đổi số trong mô hình quản trị. Nối tiếp danh sách này là Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Nhật Bản (NTS) - điểm đến cuối cùng và đặc biệt nhất khi 2 Tổng giám đốc của 2 công ty TNHH NTS và công ty Kogase Kogyo cùng với những nhân viên trẻ tuổi của mình đã mang lại cho học viên cảm giác nhiệt huyết, hứng khởi với triết lý “Người lãnh đạo thành công là người khiến cho nhân viên nào cũng muốn ở cạnh mình”.
Hình ảnh 7: Ảnh lưu niệm buổi tham quan doanh nghiệp IMV - công ty có thế mạnh về chuyển đổi số trong mô hình quản trị

Hình ảnh 8: Phần hỏi đáp với cùng với ông Okada Koji, Tổng giám đốc Công ty TNHH NTS, bà Hiromi Fukui, Tổng giám đốc Công ty Kogase Kogyo và chuyên gia Yamamoto Nobutane
 
Đặc biệt, sự kiện Business Matching tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kobe chiều ngày 22/07 là một dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển quan hệ 2 nước Việt - Nhật. Các doanh nghiệp Keiejuku Khóa 7 Hải Phòng đã có cơ hội giao lưu và kết nối với nhiều doanh nghiệp, ngân hàng và các tổ chức Nhât Bản có nhu cầu mở rộng thị trường sang Việt Nam, từ đó các bên đã đạt được nhiều thỏa thuận trong những dự án hợp tác song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực
Hình ảnh 9: Những cái bắt tay lịch sử trong buổi Business Matching - Dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa doanh nghiệp 2 nước Việt Nam và Nhật Bản

Hình ảnh 10: Các học viên Keieijuku Khóa 7 Hải Phòng giới thiệu về doanh nghiệp của mình với các đối tác tới từ Nhật Bản
 
2. HỌC TẬP CÙNG CÁC CHUYÊN GIA CỦA CHƯƠNG TRÌNH KEIEIJUKU 
Cùng với những chuyến tham quan và học tập những kinh nghiệm thực chiến từ các lãnh đạo doanh nghiệp, các học viên cũng được học tập với 4 chuyên gia JICA tham gia giảng dạy Chương trình Keieijuku: Thầy Toda Chosaku - Nguyên Giám đốc điều hành thị trường Mỹ và Châu Âu, Tập đoàn Panasonic; Thầy Matsumoto Koichiro, chuyên gia trong lĩnh vực Chiến lược quản trị doanh nghiệp, Triết lý kinh doanh và Hoạt động kinh doanh mới; Thầy Hirata Yasuhiro – Nguyên kỹ sư cao cấp trong đào tạo cải tiến sản xuất của Tập đoàn Panasonic; Thầy Yamamoto Nobutane – cựu thành viên HĐQT Panasonic Electric. Nếu như trong bài giảng của chuyên gia Matsumoto, kinh doanh và phát triển sản phẩm mới là chìa khóa để đạt được tỷ suất lợi nhuận vượt trội thì trong bài giảng của chuyên gia Hirata, dây chuyền sản xuất cắt giảm được vận chuyển và tồn kho lại là bước đột phá để các doanh nghiệp duy trì và nâng cao khả năng sinh lời.
Hình ảnh 11: Chuyên gia Matsumoto với bài giảng về Triết lý kinh doanh và Hoạt động kinh doanh mới

Hình ảnh 12: Chuyên gia Hirata Yasuhiro với bài giảng nội dung "Quản trị sản xuất hiện đại"
 
Không dừng lại ở đó, các học viên cũng được đồng hành cùng 2 chuyên gia lớn tuổi nhất của chương trình: thầy Toda Chosaku ôn lại những kiến thức về quản trị vĩ mô thuộc bài giảng đặc biệt “Build today for tomorrow” mà chính thầy đã giảng dạy trong kỳ học đầu tiên. Còn với thầy Yamamoto, học viên được lắng nghe bài giảng đặc biệt mang tên “Syn – Đi tìm phong cách quản lý kiểu Nhật” do chính thầy đảm nhận tại trụ sở Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Nhật Bản (NTS) kết hợp cùng 2 vị Tổng giám đốc Okada Koji và Hiromi Fukui.
Hình ảnh 13: Những lời gửi gắm tới học viên của chuyên gia Toda Chosaku trước khi kết thúc bài giảng
 
Hình ảnh 14: Bài giảng đặc biệt của chuyên gia Yamamoto cùng với ông Okada Koji, Tổng giám đốc Công ty TNHH NTS và bà Hiromi Fukui, Tổng giám đốc Công ty Kogase Kogyo
 
3. THUYẾT TRÌNH BÁO CÁO CUỐI KỲ HỌC
Để phục vụ cho bài báo cáo cuối kỳ học, tập thể lớp được chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm sẽ đảm nhận một chủ đề trong 4 chủ đề: Triết lý kinh doanh, Chính sách nhân sự, Chiến lược kinh doanh và Văn hóa doanh nghiệp. Dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Matsumoto Koichiro, các nhóm đã trình bày những báo cáo vô cùng chi tiết, tỉ mỉ nhưng cũng không kém phần sáng tạo về những đúc rút sau khi tham gia học tập tại những doanh nghiệp Nhật Bản. Các nhóm đã học tập được chính sách lương thưởng để áp dụng về cho doanh nghiệp mình, phân tích được phương thức xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiệu quả, trong đó đặc biệt nhất phải kể đến ý tưởng tạo nên 1 doanh nghiệp hoàn toàn mới của nhóm “Triết lý kinh doanh”.


Hình ảnh 15-18: Phần thuyết trình báo cáo cuối kỳ học của 4 nhóm học viên trước khi nhận chứng chỉ hoàn thành Kỳ học
 
4. TÌM HIỂU VĂN HÓA, CON NGƯỜI ĐẤT NƯỚC NHẬT BẢN 
Ngoài các doanh nghiệp Nhật Bản, vào ngày đại diện tập thể lớp Keieijuku Khóa 7 Hải Phòng được đón tiếp trọng thể tại trụ sở Tòa thị chính thành phố Kitakyushu – thành phố kết nghĩa với thành phố Hải Phòng. Đại diện 2 bên vô cùng vui mừng khi ôn lại những thành tựu hợp tác giữa 2 thành phố trong lĩnh vực môi trường, công nghiệp và giáo dục đào tạo; đồng thời Phó thị trưởng thành phố Kitakyushu - Bà Oba Chikako bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác lâu dài cùng thành phố Hải Phòng trong tương lai. 
Hình ảnh 19: Buổi giao lưu giữa đại diện các doanh nghiệp Keieijuku Khóa 7 Hải Phòng với Phó thị trưởng thành phố Kitakyushu Oba Chikako
 
Chiều ngày 19/7, hoạt động trải nghiệm văn hóa trà đạo Nhật Bản mà các học viên vô cùng đón chờ đã diễn ra tại lâu đài Kokura. Trong gian phòng trà đạo được thiết kế theo phong cách Nhật Bản truyền thống, các học viên được ăn thử món bánh cổ truyền wagashi và tự tay chuẩn bị những chén trà xanh matcha của mình, từ đó hiểu sâu hơn về văn hóa thưởng trà của người Nhật xưa và nguồn gốc của cái tên “Trà đạo”.

Hình ảnh 20-21: Buổi trải nghiệm văn hóa Trà đạo tại lâu đài Kokura với Trà xanh Matcha và Bánh Wagashi - những món ăn thức uống cổ truyền làm nên nét đẹp tinh tế của văn hóa Trà đạo
 
Sáng ngày 25/7, đoàn học viên đã lên máy bay trở về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp kỳ thực tập 10 ngày tại Nhật Bản. Viện VJCC xin chân thành cảm ơn Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA cùng các đơn vị đối tác, các điều phối viên, phiên dịch viên đã đóng góp công sức và tạo điều kiện thuận lợi để kỳ thực tập diễn ra thành công tốt đẹp. Sự ủng hộ và giúp đỡ này là động lực to lớn để Viện VJCC có thể liên tục đổi mới và nâng cao chất lượng của chương trình học, từ đó đem lại cho các học viên nhiều kiến thức thực chiến cùng với đó là mạng lưới giao lưu kết nối góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của cộng đồng doanh nghiệp Việt và làm cho tình hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam - Nhật Bản càng trở nên bền chặt.

 

Khóa học nổi bật

Các khóa học sắp diễn ra

Tin tức nổi bật

Xem thêm

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN KHÓA HỌC