Lao động và thu nhập - Triển vọng phục hồi sau Covid 19
I. Lao động và Covid 19
-
Thực trạng lao động trong giai đoạn Covid 19
Không khó để thấy rằng, Covid-19 đã giáng một đòn đầy đau đớn đến toàn bộ nền kinh tế nói chung, tình hình tại Việt Nam nói riêng, và đặc biệt là tới bộ phận người lao động. Tại Việt Nam, phần rất lớn người lao động phổ thông phân bổ trong các doanh nghiệp sản xuất chế biến như dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử và chế biến thực phẩm,... và các doanh nghiệp liên quan đến du lịch lữ hành, và thật đáng buồn, đây lại chính là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề và nghiêm trọng nhất bởi Covid-19.
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, khoảng 5 triệu NLĐ và 84,8% doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch trong năm 2020. Trong đó, 13% mất việc, 59% phải nghỉ việc tạm thời và 28% phải giãn ca. Các ngành chế biến và chế tạo bị ảnh hưởng nặng nhất với 1,2 triệu việc làm bị tác động, tiếp theo là ngành bán buôn và bán lẻ với 1,1 triệu việc làm.
Qua số liệu từ phần lớn các doanh nghiệp bắt buộc phải cắt giảm lao động, có thể thấy rằng lao động ngắn hạn, lao động nữ và lao động lớn tuổi đang bị phân biệt đối xử, cụ thể là, họ trở thành đối tượng bị cắt giảm đầu tiên khi nói đến việc giảm chi phí lao động, và cũng ít được ưu tiên về mặt hỗ trợ, chính sách. Các biện pháp trước, trong và sau cắt giảm của các doanh nghiệp cũng làm dấy lên lo ngại về cuộc sống tương lai của người lao động và mối quan hệ doanh nghiệp - lao động.
-
Tác động tới người lao động
Covid-19, cụ thể là việc cắt giảm lao động do Covid-19 đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới người lao động cả về mặt vật chất và tinh thần.
Hình: Tác động của Covid-19 tới việc làm và nguồn thu nhập
Tác động về mặt vật chất là rất dễ thấy khi thu nhập của người lao động giảm đáng kể, hơn thế là không ổn định, khiến họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới bản thân người lao động mà còn đến các cá nhân phụ thuộc vào họ, từ đó việc tiêu dùng, chi tiêu cũng xuống dốc, dẫn đến nhu cầu dù có nhưng không có khả năng thanh toán. Các doanh nghiệp đương nhiên cũng không nên xem nhẹ kết quả này.
Thay đổi cơ cấu lao động do Covid-19 cũng tác động tới sức khỏe tinh thần của người lao động khá nghiêm trọng. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), 86,9% người lao động trải qua cảm xúc lo âu, bi quan, bất an và tâm trạng thay đổi thất thường, 34,2% gặp vấn đề với các mối quan hệ trong gia đình và gần 5% cho biết có tình trạng bạo lực gia đình.
-
Người lao động ứng phó như thế nào?
Tại Việt Nam, Luật Lao động 2012 yêu cầu người lao động và doanh nghiệp phải cùng thống nhất với quyết định đưa ra, trong đó có quyết định về chấm dứt hợp đồng lao động hay nghỉ việc..., đặc biệt trong trường hợp lao động bị cho nghỉ việc tạm thời, có hoặc không có lương. Mặc dù pháp luật có quy định, tuy nhiên doanh nghiệp có muốn áp dụng hay không, hay người lao động có biết để bảo vệ mình hay không thì không ai lên tiếng.
Khi rơi vào tình cảnh bị cắt giảm bởi doanh nghiệp, người lao động chỉ có cách khiếu nại với quản lý, cán bộ công đoàn, nộp đơn lên công ty hoặc nói chuyện thẳng với ban giám đốc. Một kết quả tích cực đáng mừng rằng cũng không ít doanh nghiệp chịu ngồi xuống đối thoại giải quyết vấn đề với người lao động, tuy nhiên, kết quả suy cho cùng vẫn chỉ có một mà thôi.
Giải pháp hữu ích nhất mà người lao động có thể làm để ứng phó với tình cảnh này chính là tìm doanh nghiệp khác, tìm ngành nghề khác, hoặc nâng cao chất lượng của bản thân để chờ đợi tương lai sau đại dịch. Tuy nhiên, hướng đi nào cũng đầy mông lung và khó khăn.
II. Thu nhập và Covid 19
-
Tình trạng thu nhập trong giai đoạn Covid 19
Tương tự với tình trạng kinh doanh của các doanh nghiệp, dưới tác động của Covid-19, thu nhập của người lao động cũng không thể khả quan. Theo nhiều báo cáo mới nhất, hầu hết người lao động trong các ngành nghề có mức lương bị giảm từ 20-50%, đặc biệt với ngành du lịch khi phần lớn người lao động không còn thu nhập.
Nghiêm trọng nhất phải kể đến giai đoạn giữa năm 2021, khi Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội bùng phát dịch bệnh khó kiểm soát, tình trạng giãn cách xã hội kéo dài đến tận 2, 3 tháng. Giai đoạn đó chính là giai đoạn đặc biệt khó khăn với các doanh nghiệp du lịch lữ hành, vận tải hành khách...
Hình: tác động tới nguồn thu nhập theo ngành
Thu nhập giảm, nhưng giá cả lại tăng chóng mặt, điển hình là nhiều lần điều chỉnh giá xăng trong tháng 10, 11 năm 2021, hay sự tăng giá bất ngờ của mặt hàng rau xanh đã khiến người lao động lâm vào tình cảnh vô cùng khốn đốn.
-
Ảnh hưởng của sự thay đổi thu nhập tới người lao động
Theo báo cáo của các tổ chức lao động, nhóm lao động di cư, là người kiếm tiền chính và có con cái chịu tác động mạnh mẽ nhất với trên 40% nhóm này bị thiếu ăn do giảm chi tiêu thực phẩm xuống mức tối thiểu hoặc dưới tối thiểu. Nếu đại dịch tiếp diễn thêm 2 tháng nữa , 86,3% người lao động cho rằng mức sống của họ sẽ giảm sút và 18,8% lo ngại mức sống của họ sẽ xuống dưới mức tối thiểu (ILO).
Với nhóm người lao động phổ thông với thu nhập chỉ đủ chi tiêu mà không có tiết kiệm, cuộc sống của họ cũng trở nên rất khó khăn. Đặc biệt với nhóm lao động nữ có con nhỏ hoặc lao động lớn tuổi hay những người là lao động chính trong gia đình, họ có thể bị đẩy đến tình trạng thiếu thốn, thậm chí là nghèo đói. Và chắc chắn rằng, người lao động cũng không thể ổn định về mặt tinh thần, sức khoẻ. Ngoài ra, con cái của họ, đối tượng cần được chăm sóc và đầu tư, cũng không được cung cấp đầy đủ, thậm chí là vô cùng thiếu thốn.
-
Người lao động ứng phó như thế nào?
Thu nhập không đủ nhưng những khoản chi trả tối thiểu thì bắt buộc phải thanh toán, nên họ đành phải cắt giảm chi phí cho thực phẩm và các dịch vụ tối thiểu. Có rất nhiều người lao động cắt tối thiểu chi tiêu cho lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm, thậm chí là chi phí học hành, ăn uống cho con cái...
Tuy nhiên, cũng có nhiều người lao động đã tìm mọi cách để khắc phục khó khăn này bằng cách đi tìm việc làm mới, tìm sự trợ giúp qua mạng lưới quan hệ xã hội hay đăng ký hỗ trợ của Chính phủ hoặc các tổ chức lao động, thiện nguyện…
Một số lao động ở tầng lớp cao hơn đã bắt đầu chuyển đổi sang các hình thức tự kinh doanh như bán hàng trực tuyến, cung cấp thực phẩm trực tuyến,... để kiếm thêm thu nhập.
III. Triển vọng phục hồi việc làm và thu nhập sau Covid 19
Trong giai đoạn Covid, cũng dễ thấy rằng một bộ phận người lao động đã biết cách tận dụng thời gian khó khăn này để nâng cao chất lượng của bản thân, nâng cao giá trị của mình để tìm kiếm những cơ hội mới sau khi đại dịch ổn định. Đây cũng sẽ trở thành động lực của một cuộc chuyển đổi cơ cấu lao động sau dịch bệnh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, với phần đông người lao động còn lại vẫn tỏ ra khá bi quan về triển vọng hồi phục lại việc làm và thu nhập trong tương lai. Theo báo cáo của ILO, chỉ có ¼ người lao động cho rằng việc làm và thu nhập sẽ trở về mức trước đại dịch trong vòng 3 tháng sau dịch. Tương lai phục hồi khả quan hơn với các ngành sản xuất chế biến, tuy nhiên ngược lại với ngành du lịch. Đây là một ngành đặc thù, đòi hỏi nhiều điều kiện và thời gian để hoàn toàn được vực dậy sau Covid-19.
Nhìn chung, tốc độ phục hồi của việc làm và thu nhập phụ thuộc vào chính người lao động về năng lực và sức thích nghi của họ, ngoài ra cũng dựa vào sự phục hồi của doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như các tổ chức liên quan, và không thể không kể đến sự chuyển biến của kinh tế toàn cầu.
Ban Đào tạo Doanh nghiệp - Viện VJCC
BÀI VIẾT CÙNG DANH MỤC
Khóa học nổi bật
-
Kiểm soát cảm xúc trong công tác quản trị
Thời gian : 2 ngàyGiảng viên : Bà Trương Ngọc Mai Hương
-
Quản trị tài chính cho lãnh đạo doanh nghiệp
Thời gian : 2 ngàyGiảng viên : TS. Nguyễn Tấn Bình
-
QC GEMBA – HOẠT ĐỘNG QUÀN LÝ CHẤT LƯỢNG
Thời gian : 3 ngàyGiảng viên : Ông Trần Hữu Anh Tuấn
-
Chương trình Cử nhân Kinh doanh Số - DB
Thời gian : 4 nămGiảng viên : ĐH Ngoại thương và các trường ĐH Nhật Bản
Các khóa học sắp diễn ra
-
KHÓA HỌC BIÊN-PHIÊN DỊCH TIẾNG NHẬT THƯƠNG MẠI tại TP. HCM THÁNG 2/2025
Thời gian : 15/02/2025 - 09/3/2025 8 buổi/24 giờ)Giảng viên : ThS. Võ Thị Mai Hương
-
KHÓA HỌC NHẬP MÔN TIẾNG NHẬT dành cho người mới bắt đầu (OFFLINE)
Thời gian : 28 buổi, Từ 06/01/2025 đến 05/05/2025, 2 buổi/ tuần: Thứ 2 & Thứ 5 (18:30 - 20:30)Giảng viên : Cô Hà Thị Hường, Cô Nguyễn Quỳnh Trang, Thầy Kodama
-
KHÓA HỌC NHẬP MÔN KẾ TOÁN TIẾNG NHẬT (ONLINE)
Thời gian : Từ ngày 28/02/2025 - 02/05/2025Giảng viên : Hiệp hội phổ cập kế toán Nhật Bản tại Việt Nam (ABPV)
-
KHÓA HỌC NGHIỆP VỤ KẾ TOÁN TÀI CHÍNH - BOKI 2 KYUU SHOUGYOU (ONLINE)
Thời gian : Ngày 07/01/2025 ~ 06/5/2025Giảng viên : Hiệp hội phổ cập kế toán Nhật Bản tại Việt Nam (ABPV)