Tri thức

PHÂN LOẠI RÁC THẢI Ở NHẬT BẢN NHƯ THẾ NÀO?
Các loại rác thải Ở Nhật, rác được chia thành 4 loại chính: rác đốt được, rác không đốt được, rác tái chế được và rác quá khổ. Tùy thuộc vào nơi bạn sống, các loại rác này có thể được chia thành các nhóm nhỏ hơn. Vì vậy, đừng quên truy cập trang web chính thức của thành phố để cập nhật các quy tắc và lịch trình thu gom rác. Rác thải ở Nhật cần được phân loại. Ảnh: blog.tokyoroomfinder.com Một số khu vực có thể yêu cầu sử dụng túi đựng rác có màu đặc biệt để biểu thị loại rác. Nếu không, bạn có thể mua túi đựng rác chung từ tiệm tạp hóa hoặc cửa hàng tiện lợi. Khi có bất kì câu hỏi nào về tái chế hoặc thu gom rác thải tại thành phố của mình, hãy gọi đến tòa thị chính hoặc văn phòng phường. Rác cháy được/dễ cháy Rác cháy được (moeru gomi/燃えるゴミ) là loại dễ xử lí nhất. Phần lớn rác thải sinh hoạt được phân loại là rác cháy được, bao gồm rác nhà bếp, vải vóc và rác sân vườn... Loại này thường được thu gom 2 lần/tuần, hãy xem tờ rơi mà bạn nhận được tại tòa thị chính để biết chính xác ngày giờ cụ thể.   Một số loại rác cháy được: Rác thải phân hủy sinh học: Vỏ sò, vỏ trứng, rác thải thực phẩm, vỏ trái cây và rau củ Quần áo và phế liệu gỗ: Vải sợi pha, phế liệu gỗ với số lượng nhỏ Phế liệu giấy: Giấy ăn, tã giấy, khăn giấy Đồ nhựa: hộp xốp, màng bọc thực phẩm bằng nhựa, đĩa CD, băng video Đồ vật bằng cao su: Ống nước tưới cây, dép xăng đan Đồ da: Túi xách, giày dép, quần áo Cần chắt bỏ hết nước từ thức ăn thừa, sử dụng giấy thấm hoặc gel đông đặc để xử lí dầu ăn. Cho vào túi và mang ra ngoài vào ngày trước thời gian thu gom quy định. Lưu ý rằng, rác không được thu gom vào các ngày lễ quốc gia. Rác không cháy được  Rác không cháy được (moenai gomi/燃えないゴミ) ít được thu gom thường xuyên hơn, có thể chỉ 1-2 lần/tháng. Các vật dụng bằng kim loại và thủy tinh là một phần của loại rác này. Một số loại rác không cháy được: Đồ gốm hoặc đồ sứ, ly hoặc cốc, bóng đèn vỡ, chai đựng mỹ phẩm hoặc dầu Pin, hóa chất, lon đựng dầu hoặc sơn Các thiết bị hoặc đồ dùng điện có kích thước nhỏ hơn 30cm ở bất kỳ cạnh nào Nồi và chảo Ảnh: businesswaste.co.uk Rác có thể tái chế Rác tái chế bao gồm hầu hết những thứ không cháy, chúng được thu gom 1 lần/tuần. Để xử lí, bạn cần đặt chúng vào các hộp được chỉ định theo mã màu trong danh mục. Chai có nhãn tái chế PET Giấy: Báo, tạp chí, bìa cứng, khay đựng trứng bằng giấy Chai đựng thực phẩm và đồ uống Lon: Lon nhôm và thép đựng thực phẩm Bình xịt: Bình khí và bình xịt Đèn huỳnh quang: Ống tròn, nhỏ gọn, thẳng   Đối với chai nhựa PET, hãy rửa sạch thật kĩ để loại bỏ rác thải thực phẩm bên trong. Nắp chai và nhãn sẽ được để chung với rác thải nhựa thông thường, còn chai phải phân loại vào túi rác khác. Giấy tái chế cần được phân loại và bó lại bằng dây để xử lí. Chai và lon cũng cần được phân loại nếu không, sẽ không được thu gom. Đèn huỳnh quang phải được bọc trong giấy hoặc trong bao bì gốc để tránh hư hỏng thêm. Rác thải quá khổ Rác thải quá khổ (sodai gomi/粗大ゴミ) là những vật dụng quá lớn không thể bỏ vừa vào một trong các túi được chỉ định. Bạn cần phải gọi điện đến văn phòng thành phố địa phương để họ thu gom. Chi phí để xử lí chúng có thể dao động từ 1.000 đến 6.000 yên (khoảng hơn 160.000 đến gần 1 triệu đồng). Nếu có ô tô riêng để tự chở, bạn hãy kiểm tra các trung tâm tái chế được chỉ định có tiếp nhận những vật dụng như vậy hay không.   Một số món đồ phải trả phí thu gom: Futon, bếp dầu, xe đạp, thiết bị cố định (bất cứ thứ gì dài hơn 30cm) Máy điều hòa, TV, tủ đông, máy giặt và máy sấy Nệm, khung giường, bàn Nguồn: Kilala
"Ra đường là cá mập, ở nhà là cá con"
内弁慶、外ネズミ /uchi benkei soto nezumi/ Dịch nghĩa: Ra đường anh là cá mập, ở nhà anh là cá con   Benkei (弁慶)là ai? Saito Musashibo Benkei (1155–1189), thường được gọi là Benkei, là một tu sĩ chiến binh Phật giáo của Nhật Bản (Sohei - 僧兵) sống vào những năm cuối của Thời Heian (794–1185). Ban đầu, Benkei đi theo con đường tu hành, trở thành nhà sư và tu khổ hạnh trên núi. Về sau, ông trở nên kính trọng và đi theo phục vụ chiến binh Minamoto no Yoshitsune (Ushiwakamaru). Theo một số giai thoại, Benkei là một vị tu hành rất có tài võ nghệ. Cuộc đời của Benkei có rất nhiều dị bản khác nhau như: Ông được biết đến là con của một vị thần, hay có những giai thoại nói ông là một đứa trẻ bị từ chối trong gia đình, ... Ý nghĩa:  Câu thành ngữ này ám chỉ và chế nhạo những kẻ hèn nhát chỉ dám ra oai, xưng hùng xưng bá ở những nơi an toàn cho mình.  Một số câu thành ngữ có ý nghĩa tương đương trong tiếng Việt và tiếng Nhật: - Tiếng Việt:  "Nói thì đâm năm chém mười, Đến khi tối trời chẳng dám ra sân." Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng  - Tiếng Anh: Every cocks crows on his own dunghill.
Horikoshi Jiro: Kỹ sư tài năng của Đế quốc Nhật, cảm hứng cho bộ phim The Wind Rises
Nếu đã từng xem bộ phim Kaze Tachinu (The Wind Rises - Gió nổi) của Studio Ghibli, ắt hẳn bạn sẽ không thể nào quên hình ảnh anh chàng kỹ sư Jiro đứng trên ngọn đồi cùng những cơn gió. Bộ phim đã khắc hoạ hình ảnh của đất nước Nhật Bản trước và trong Thế chiến II qua câu chuyện của một nhân vật có thật trong lịch sử, người đã truyền cảm hứng cho bộ phim - kĩ sư Horikoshi Jiro. Những năm đầu cuộc đời Horikoshi Jiro sinh năm 1903, tại thành phố Fujioka, tỉnh Gunma. Ông tốt nghiệp Phòng thí nghiệm Hàng không, Khoa Kỹ thuật, Đại học Đế quốc Tokyo (nay là Đại học Tokyo) và bắt đầu công việc của mình tại công ty Động cơ đốt trong Mitsubishi. Thuở nhỏ, cậu bé Jiro có một niềm mơ ước với những chiếc máy bay. “Trong giấc ngủ, tôi thường mơ thấy mình đang lái một chiếc máy bay nhỏ tự chế tạo, bay qua những cánh đồng, những con sông và đôi khi bay là là gần mặt đất”- ông viết trong hồi ký. Niềm đam mê này đã dẫn lối Jiro trên con đường trở thành một kỹ sư thiết kế máy bay tại Mitsubishi. Vào thời kỳ này, Nhật Bản đẩy mạnh tăng cường vũ trang trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp (thời kì trước khi xảy ra Chiến tranh thế giới thứ hai). Việc chế tạo máy bay chiến đấu được ưu tiên khi mà lúc đó, sức mạnh không quân của Đế quốc Nhật đang tụt hậu so với thời đại. Các kỹ sư hàng không tại Mitsubishi, bao gồm cả Jiro, nhận được lệnh phát triển và chế tạo các mẫu máy bay chiến đấu mới theo yêu cầu của quân đội. Điều này đã một phần dự báo hiện thực nghiệt ngã dành cho ước mơ của cậu bé Jiro. Mitsubishi A6M Zero - chiến đấu cơ huyền thoại của Hải quân Nhật Bản Dù là một kỹ sư tài năng, con đường của Horikoshi Jiro không hề bằng phẳng. Chiếc máy bay đầu tiên được ông làm ra - Mitsubishi 1MF10 (còn được gọi là mẫu 7), đã rơi trong quá trình thử nghiệm và mãi mãi không được đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, thất bại không làm ông nản chí, nó trở thành bài học kinh nghiệm để Horikoshi phát triển thành công Mitsubishi A5M (mẫu 9) và đặc biệt là Mitsubishi A6M Zero (mẫu 12) - một huyền thoại trong các dòng máy bay quân sự của Nhật. Khi được đưa vào tác chiến đầu Thế chiến II tại chiến trường Thái Bình Dương, chiếc Zero đã thể hiện sự vượt trội của mình so với máy bay đối phương và gieo rắc nỗi sợ hãi trên bầu trời. Với lợi thế về độ cơ động và tầm bắn, Zero đã hạ rất nhiều máy bay địch. Chuyện kể rằng các phi công F4F của Mỹ nhận được lệnh “Hãy rút lui bất cứ khi nào các anh gặp phải bão sấm sét, hoặc là gặp phải một chiếc Zero. Đừng bao giờ một chọi một với những chiếc Zero này”. Thiết kế của Jiro đã góp phần giúp Nhật Bản giành thế chủ động vào giai đoạn đầu của cuộc chiến Thái Bình Dương. Nhưng rồi, cục diện chiến trường bắt đầu thay đổi và đó cũng là lúc Horikoshi phải đối diện với hiện thực nghiệt ngã của ước mơ chế tạo máy bay. Máy bay - giấc mơ bị nguyền rủa Vào giai đoạn sau của cuộc chiến, Zero không còn duy trì được lợi thế của mình khi Mỹ triển khai các dòng máy bay mới hiện đại hơn và có các chiến thuật để đối phó với Zero. Do sự thiếu thốn nhân lực và vật lực, Nhật Bản không thể bắt kịp tiến độ nâng cấp của đối thủ. Zero dần tụt hậu nhưng vẫn được sử dụng trong phần còn lại của cuộc chiến, chủ yếu ở thế phòng thủ - vị trí không phù hợp với một chiếc máy bay tấn công, và cuối cùng là để thực hiện các cuộc cảm tử Kamikaze, khi phi công Nhật lái máy bay đâm thẳng vào mục tiêu đối phương. Đế quốc Nhật dần thất thế và ông phải chứng kiến quê hương của mình bị tàn phá bởi những cuộc ném bom rải thảm từ máy bay quân Đồng minh. Mặc dù là kỹ sư thiết kế máy bay chiến đấu nhưng bản thân Horikoshi Jiro phản đối cuộc chiến tranh mà tầng lớp cầm quyền của Đế quốc Nhật đã châm ngòi. “Tôi không thể tưởng tượng được rằng Nhật Bản lại liên minh với phát xít Đức và tham gia vào cuộc chiến tranh với Mỹ, Anh. Tôi cũng không nghĩ rằng Zero sẽ diễu hành trong lịch sử, ban đầu là với vinh quang và sau đó là với bi kịch” - trích đoạn từ hồi ký của Jiro. Cuộc chiến, với ông cũng như những người dân Nhật Bản, là hoàn toàn vô nghĩa. Những chiếc máy bay, ước mơ của ông, giờ đây lại trở thành công cụ tàn phá phục vụ chiến tranh. Ở vị trí một người kĩ sư trưởng, trên đôi vai ông là trách nhiệm với công việc, lòng trung thành với Tổ quốc và cả ước mơ với máy bay từ thời thơ ấu. Chắc hẳn, những mâu thuẫn đó đã làm ông suy nghĩ không ít. Đó cũng là khoảng thời gian mà tình hình thế giới không hề đơn giản, chỉ có những người trong cuộc trải qua cuộc chiến như ông mới có thể hiểu hết sự phức tạp của hoàn cảnh lúc bấy giờ. Chiến tranh rồi cũng trôi qua, tất cả những gì còn lại là lịch sử. Những chiếc A6M Zero sót lại vẫn nằm đó, trong những bảo tàng, như hiện thân của những gì Nhật Bản đã trải qua. Zero cũng mang trong mình hình ảnh của người kỹ sư tài năng đã tạo ra nó, người đã gửi gắm ở nó ước mơ và cả niềm tự hào dù cho chúng có chưa trọn vẹn - kỹ sư Horikoshi Jiro.
NGUỒN CẢM HỨNG CỦA PORCO ROSSO- KHÔNG ĐƠN GIẢN LÀ HÃNG PHIM CHO TRẺ CON
NGUỒN CẢM HỨNG CỦA PORCO ROSSO- KHÔNG ĐƠN GIẢN LÀ HÃNG PHIM CHO TRẺ CON Phần giới thiệu cho The Art of Porco Rosso (1992), đã viết rằng, Miyazaki coi đây như một bộ phim dành riêng cho ông, được làm ra để thỏa mãn ý muốn của ông. Khi được hỏi về nguồn cảm hứng cho bộ phim trong một buổi phỏng vấn vào năm 1999, ông đã cho biết, nguồn cảm hứng ấy chính là do niềm yêu thích của ông với máy bay. “Tuy những bộ phim tôi làm dành cho cho trẻ em, nhưng bộ phim này được làm ra để thể hiện tình yêu tôi dành cho những chiếc phi cơ trên bầu trời. [...]” Không chỉ có niềm đam mê với máy bay và nước Ý xinh đẹp, ông từ lâu ông đã dành tình yêu cho những chú lợn. Ông thường vẽ phác thảo những con lợn trong nhiều hình hài khác nhau. Studio của ông được biết đến với cái tên vô cùng trìu mến - Buta-ya ( Cửa tiệm những chú lợn). Nhưng “lợn” ở đây lại không phải “lợn” mà Miyazaki muốn thể hiện trong Porco Rosso. Trong Porco Rosso, “Lợn” là một phép ẩn dụ cho một người đàn ông đã không còn niềm tin vào loài người, anh ta chọn cách từ bỏ nhân tính của mình. Anh ta không phải là một gã tồi tệ hay xấu xa, đó đơn giản là bởi anh không tìm được mối ràng buộc giữa chính mình và người đời. cũng trong cuốn The Art of Porco Rosso, Marco Pagot- một phi công anh hùng, khi mộng tưởng vào chiến tranh và chính trị tan vỡ,cùng với sự tuyệt vọng khi giấc mơ dang dở bị chôn vùi, anh ta đã tự biến mình thành một con lợn. Trong một vài phỏng vấn tại Nhật Bản, thuật ngữ “lợn” làm người ta liên tưởng đến một gã trung niên mệt mỏi không còn chút niềm lạc quan của tuổi xuân thì. Và tất nhiên đó là những kẻ không bao giờ có thể tưởng được bản thân trong vai những người hùng lý tưởng, luôn giành chiến thắng trong các cuộc tranh đấu và có thể chinh phục trái tim của cô gái nào. Miyazaki từng thổ lộ, ông luôn rất khó chịu với những tư tưởng rằng đàn ông có thể làm được mọi thứ, đàn ông là sự ưu ái của tạo hóa. Nhưng với ông, có những điều tốt đẹp trên đời này đáng để chúng ta cố gắng vì nó. Miyazaki tạo nên bộ phim với hình tượng một người-hùng-lợn vì nó vừa đúng với cảm nhận đó của ông.
Tại sao Nhật Bản được gọi là xứ phù tang!?
Tại sao Nhật Bản được gọi là xứ Phù tang Chắc hẳn trong số chúng ta, những người yêu mến đất nước Nhật Bản xinh đẹp, đã từng có lúc tự hỏi vì sao quốc gia này lại được gọi là “Xứ Phù Tang”? Không chỉ có tên gọi này, Nhật Bản còn được gọi bằng những danh xưng mỹ miều khác như “Xứ sở hoa anh đào”, “Đất nước Mặt trời mọc”, hay theo góc nhìn của người châu Âu, từ “Japan” có nghĩa là một vùng đất có nhiều vàng. Vậy thì ý nghĩa của “Phù Tang” là gì? Và những tên gọi khác kia có bắt nguồn từ đâu? Những tên gọi đầu tiên của đất nước Nhật Bản Khoảng nửa cuối thế kỷ II, Nhật Bản là một vùng đất chịu nhiều sự tranh giành của các thế lực hùng mạnh. Cho đến giữa thế kỷ III, Nhật Bản vẫn chưa phải là một quốc gia thống nhất mà là một vùng đất được cai quản bởi khoảng 30 tiểu quốc. Vào cuối thế kỷ III đến đầu thế kỷ V, một trung tâm chính trị có tên gọi là “Yamato – 大和” đã được thành lập, có vị trí trải dài từ miền bắc đảo Kyushu đến đảo Honshu. Từ đó, Yamato trở thành tên gọi đầu tiên của Nhật Bản. Ngày nay, người Nhật thường sử dụng từ Yamato như một biểu tượng cho lòng tự hào và tự tôn dân tộc. Thuật ngữ “Yamato Nadeshiko – 大和撫子” thường được dùng để miêu tả một người phụ nữ Nhật Bản chuẩn mực với vẻ ngoài thuần khiết, cốt cách thanh cao, nữ tính và quý phái. Vào các thế kỷ VI, VII và VIII, khi người Nhật tiếp thu chữ Hán từ Trung Hoa, ngay lập tức họ cho ra đời tư liệu sử “Nihonshoki – 日本書紀” vào năm 792. Theo Nihonshoki, vào thời cổ đại, Nhật Bản có đến ba tên gọi khác nhau, đó là “Toyo Ashihara no Mizuho no Kuni – 豊葦原の瑞穂の国”, “Ashihara no Nakatsukuni – 葦原中国”và “Yamato – 大和”. Trong khi đó, các nước láng giềng như Trung Hoa và Triều Tiên lại gọi Nhật Bản là “Wa – 和” . Tại sao Nhật Bản lại được gọi là “Xứ Phù Tang”? “Phù Tang” trong tiếng Nhật được phát âm là “Fusou – 扶桑”, bắt nguồn từ từ cổ “Fusau – ふさう”. Đây là một tên gọi được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại. Trong thần thoại Trung Quốc, điển hình là cuốn “Sơn Hải Kinh – 山海経” (Sengaikyo), “Fusou” được miêu tả là một cây đại thụ huyền bí nằm ở vùng biển phía Đông, và Mặt trời sẽ bắt đầu mọc lên từ nơi ấy. Sau đó, vào năm 629, khi sách sử “Lương Thư – 梁書” của Trung Quốc xuất hiện, những minh chứng về việc có tồn tại một đảo quốc ở phía Đông càng được thêm phần sáng tỏ. Khi đó, mọi người cho rằng ở nơi đảo quốc ấy hiện hữu rất nhiều loài cây Fusou, từ đó khởi sinh ra tên gọi “Fusou-koku – 扶桑国”, tức “Phù Tang Quốc”. Và đó cũng chính là đất nước Nhật Bản hiện nay. Có rất nhiều tài liệu chỉ ra rằng Nhật Bản đã từng sử dụng từ “Fusou” như một tên gọi khác chođất nước của mình, chẳng hạn như sử thư được viết vào năm 1094 đã lấy tiêu đề là “扶桑略記 – FusouRyakki”, tức “Phù Tang Lược Ký”, hay thậm chí từ trước đó rất lâu mà cụ thể là vào những năm đầutiên của thời Jogan (859), Nhật Bản sử dụng danh xưng “Fusou” như một cách thể hiện thiện chítrong các hoạt động về ngoại giao, Phật giáo và giao lưu thơ ca với Trung Quốc. Sau đó, một tấmbản đồ được vẽ vào thời Muromachi (1336 –1573) cũng được lấy tên là “Nihon Fusou-koku no Zu –日本扶桑国之図”, tức “Nhật Bổn Phù Tang Quốc Chi Đồ”. Một số tên gọi khác của Nhật Bản Trong một văn tự cổ của Trung Hoa được viết vào đầu thế kỷ VII có đề cập đến Nhật Bản với tên gọi là “Nihon – 日本”, âm Hán Việt là “Nhật Bổn” hay “Nhật Bản”, với hàm ý về một đất nước nằm gần với Mặt trời. Đó cũng là tên gọi mà Thánh đức Thái tử Shotoku (574 - 662) đã dùng trong bức quốc thư gửi sang triều đình Trung Hoa, mở đầu cho chính sách cử người sang Trung Hoa học hỏi trong khoảng thời gian hơn 250 năm. Lúc đó, Thái tử Shotoku, dù ở tư cách đại diện cho một tiểu quốc, đã viết rằng: “Thiên tử của Đất nước Mặt trời mọc kính gửi Thiên tử của Đất nước Mặt trời lặn”. Nếu xét về vị trí địa lý thì quả nhiên, phía Tây của Nhật Bản, nơi Mặt trời lặn là Trung Quốc và nhìn về phía Đông của Trung Quốc, nơi Mặt trời mọc sẽ thấy Nhật Bản. Chính vì lý do này mà hoàng đế nhà Tùy đã không thể chối cãi và đành phải nuốt giận. Mặt khác, những dòng chữ của Thánh đức Thái tử cho thấy phần nào ý thức về một quốc gia với nền văn hóa có tính tự chủ cao đã được thể hiện ở Nhật Bản từ rất sớm. Cùng với cách viết giống nhau nhưng khác âm đọc, Nhật Bản hiện đại còn được biết đến với tên gọi “Nippon – にっぽん”. Nippon trở thành tên gọi chính thức của Nhật Bản từ năm 1934. Ngày nay, chúng ta có thể tìm thấy chữ Nippon trên những con tem hay trên những bộ đồng phục của các vận động viên thể thao khi họ tham gia trên đấu trường quốc tế. Một điều khá thú vị là nếu theo ngôn ngữ phương Đông, tên gọi của Nhật Bản có nghĩa là “xứ sở của Mặt trời” thì vào thế kỷ XIII, nhà du hành người Ý – Marco Polo, khi đặt chân đến miền Nam Trung Quốc đã được người dân địa phương cho biết về một vùng đất nằm ở phía Đông gọi là “Ji-pang”. Ông đã giới thiệu về vùng đất này với độc giả châu Âu thời bấy giờ với tên gọi là “Cipangu” (phát âm là “Jipangu”) với ý nghĩa là “vùng đất của vàng”. Jipangu khi đọc sang tiếng Pháp là “Japon” và tiếng Anh là “Japan”. Dù vậy, mãi cho đến năm 1543 mới diễn ra cuộc tiếp xúc trực tiếp của người châu Âu với Nhật Bản bằng sự kiện một chiếc thuyền Bồ Đào Nha trên đường đến Trung Hoa thì gặp bão, phải lánh nạn vào đảo Tanegashima của đảo quốc này. Ngay sau đó 6 năm, vào năm 1549, Francis Xavier bắt đầu truyền giáo tại Nhật Bản. Từ giữa thế kỷ XVI, Nhật Bản bắt đầu giao thương với Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan và Anh Quốc. Cứ như thế, thông tin về đất nước và con người Nhật Bản được các quốc gia châu Âu biết đến qua các thương nhân và các nhà truyền giáo đạo Cơ đốc. Mặc dù, trên thực tế, người phương Tây không hề tìm thấy vàng bạc châu báu ở Nhật Bản như tên gọi của nó, song họ vẫn giữ cách gọi vốn đã được lưu truyền hơn 200 năm trước. Có lẽ, những giá trị mà Japan thể hiện với thế giới không chỉ dừng lại ở những giá trị về vật chất mà còn hướng đến các giá trị bền vững về tinh thần. Đó cũng là điều khiến Nhật Bản, trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử và thiên tai, vẫn chứng minh được sức sống tiềm tàng của mình chăng?
Tổng hợp ngữ pháp ことN2
TỔNG HỢP NGỮ PHÁP N2 VỚI こと 1. こととて Ý nghĩa: do...nên 知(し)らぬこととて、ご迷惑(めいわく)をおかけして申(もう)し訳(わけ)ございません。 Thành thực xin lỗi, do không biết chuyện ấy nên tôi đã làm phiền đến quý vị. 2. ないことには Ý nghĩa: nếu không/nếu chưa...thì 先生(せんせい)が来(こ)ないことにはクラス(くらす)は始(はじ)まらない。 Nếu giáo viên chưa đến thì lớp học chưa thể bắt đầu được. 3. ことだし Ý nghĩa: vả lại, vì cũng 雨(あめ)がふってきそうだから、今日(きょう)は散歩(さんぽ)はやめておこうか。子供(こども)たちも風(かぜ)をひいていることだし。 Vì trời sắp mưa đến nơi rồi, ta nên bỏ cuộc đi dạo hôm nay đi. Vả lại mấy đứa trẻ cũng đang bị cảm. 4. のことだから Ý nghĩa: ai chứ/gì chứ...thì 彼(かれ)のことだからどうせ時間(じかん)どおりにはこないだろう。 Ai chứ anh ta thì chắc là cũng không đến đúng giờ đâu. 5. ことだ Vる/Vない + ことだ Ý nghĩa: phải, đừng 日本語(にほんご)がうまくなりたければもっと勉強(べんきょう)することです。それ以外(いがい)に方法(ほうほう)はありません。 Muốn giỏi tiếng Nhật thì phải học nhiều hơn nữa. Ngoài ra không có cách nào khác. 6. ことはない Ý nghĩa: không việc gì phải, không cần 困(こま)ったことがあったらいつでも私(わたし)に言(い)ってね。ひとりでなやむことはないのよ。 Lúc nào gặp khó khăn cứ cho tôi biết nhé. Không việc gì phải lo nghĩ một mình. 7. ことだろう Ý nghĩa: chắc là 市内(しない)でこんなにふっているのだから、やまのほうではきっとひどい雪(ゆき)になっていることだろう。 Trong thành phố mà tuyết còn rơi như thế này thì ở vùng núi chắc là tuyết đã phủ dày đặc. 8. ことか Ý nghĩa: không biết bao nhiêu, không biết tới cỡ nào それを直接本人(ちょくせつほんにん)に伝(つた)えてやってください。どんなに喜(よろこ)ぶことか。 Anh báo thẳng cho cô ấy đi. Không biết cô ấy sẽ vui mừng đến cỡ nào. 9. こと Ý nghĩa: chuyện, việc 世(よ)の中(なか)には君(きみ)の知(ち)らないことがまだまだたくさんあるんだよ。 Trên đời còn nhiều chuyện cậu chưa biết đâu. 10. ことなく Ý nghĩa: mà không ひどい雪(ゆき)だったが、列車(れっしゃ)は遅(おく)れることなく京都(きょうと)についた。 Tuyết rơi dày đặc, nhưng đoàn tàu vẫn đến được Kyoto mà không bị trễ giờ. 11. ことに Ý nghĩa: thật là 残念(ざんねん)なことに、私(わたし)は尋(たず)ねた時(とき)には、その人(ひと)はもう引っ越(こ)したあとだった。 Thật là đáng tiếc, khi tôi tìm đến nơi thì người ấy đã dọn nhà đi chỗ khác rồi. 12. ことは~が Ý nghĩa: Tuy có...thật, nhưng 読(よ)んだことは読(よ)んだが、ぜんぜんわからなかった。 Tuy đọc thì có đọc thật nhưng không hiểu gì cả. 13. ということだ・とのことだ Ý nghĩa: Nghe nói 山田(やまだ)さんは近(ちか)く会社(かいしゃ)を辞(や)めて留学(りゅうがく)すろということだ。 Nghe nói sắp tới anh Yamada sẽ nghỉ làm để đi du học.  
Thành ngữ hay về mùa hè
Thành ngữ, tục ngữ liên quan đến mùa hè 夏の虫、氷を笑う Cách đọc: natsu no mushi, koori wo warau Tạm dịch: Côn trùng mùa hè cười nhạo băng Ý nghĩa: Côn trùng mùa hè có vòng đời kết thúc khi mùa hè tàn đi, chưa từng nếm trải mùa đông nên không biết đến sự tồn tại của băng. Câu này ngụ ý phê phán những người có tầm nhìn hạn hẹp, kém hiểu biết nhưng lại tự cho mình là vượt trội, cười chê người khác.  Ếch ngồi đáy giếng  See no further than one's nose

Khóa học nổi bật

Các khóa học sắp diễn ra

Tin tức nổi bật

Xem thêm

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN KHÓA HỌC