Hành trình đưa chiếc Tivi Nhật Bản vào thị trường Hoa Kỳ của chàng trai 24 tuổi - Toda Chosaku

Mục lục (Ẩn / Hiện)

HÀNH TRÌNH ĐƯA CHIẾC TIVI NHẬT BẢN VÀO THỊ TRƯỜNG MỸ CỦA CHÀNG TRAI 24 TUỔI - TODA CHOSAKU

--------------------

Cậu bé Toda sinh ra vào mùa hè năm 1941 ở vùng Kyoto, trong một gia đình Nhật Bản thuần nông rất bình thường. Tuy nhiên, lý do tại sao trong những năm tháng chiến tranh, lạc hậu và nghèo đói của đất nước Nhật Bản, cậu bé ấy lại có thể sử dụng Tiếng Anh lưu loát được như thế? Nhiều người đã đặt câu hỏi cho việc này và câu trả lời nhận lại rất bất ngờ. Đó là cậu bé Toda thường đi ra hướng doanh trại quân đội Mỹ đóng gần khu nhà cậu ở và cố tình gây sự với lính Mỹ ở trong doanh trại. Mục đích duy nhất là để những người lính Mỹ ấy ra phía hàng rào và nói chuyện với mình. Ngày qua ngày, đó đã trở thành động lực khiến cậu bé Toda có được quyết tâm học để hiểu thứ tiếng khác không phải là Tiếng Nhật.

Vào tháng 5 năm 1964, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Wakayama, cha của Toda rất muốn cậu làm việc cho một công ty của Nhật Bản. Tuy nhiên, trái lại với mong muốn của cha, anh lại muốn làm việc trong một công ty của nước ngoài để có thể sử dụng Tiếng Anh. Và một trong những cách để đối phó với sức ép từ phía cha đó là Toda Chosaku quyết định sẽ nộp hồ sơ vào một công ty Nhật Bản mà thời đó là danh giá nhất và khó khăn nhất - Chính là Tập đoàn điện tử Matsushita. Chàng thanh niên lém lỉnh Toda nghĩ rằng 99% sẽ không được tuyển dụng bởi thành tích học tập của mình không hề xuất sắc.

Nhưng thật bất ngờ là anh đã trúng tuyển và trở thành nhân viên của Tập đoàn điện tử Matsushita. Sau này khi vào công ty, với lòng hiếu kỳ, Toda đã tự tìm ra nguyên nhân mình trúng tuyển. Thời điểm năm 1964, Tập đoàn Matsushita có một loạt chiến lược trung và dài hạn là sẽ lấn sân sang các thị trường quốc tế, đặc biệt là phía Âu Mỹ. Vì vậy chính sách tuyển dụng của Matsushita có sự thay đổi, Tập đoàn sẽ tuyển dụng hai nhóm: Nhóm thứ nhất là những người có thành tích vô cùng xuất sắc và nhóm thứ hai là những người khỏe mạnh. Thế nên đối với những nhân sự trẻ như Toda thì đó là một sự lựa chọn mới cho tập đoàn.

À, hóa ra đây là lý do, Toda nghĩ rằng chắc chắn mình thuộc nhóm thứ hai, được tuyển dụng vì khỏe mạnh. Thời thanh niên Toda chơi Judo và có vóc dáng rất cao to, không những thế lại rất giỏi Tiếng Anh. Chàng trai 23 tuổi, Toda Chosaku đã có một năm đầu tiên làm việc tại Tập đoàn Matsushita danh tiếng nhất Nhật Bản thời bấy giờ.

Đúng như dự định và chiến lược của Tập đoàn thì sau năm đầu tiên, vào tháng 5 năm 1965, Toda được Tập đoàn phái cử sang thị trường Mỹ - Là thị trường lớn nhất Thế giới, là thị trường thách thức nhất Thế giới, là thị trường khắc nghiệt nhất Thế giới để bán sản phẩm của Tập đoàn Matsushita, lúc đó là một cái Tivi. Và câu chuyện bán tivi của Toda Chosaku bắt đầu.

Khi làm việc tại Mỹ trong một thời gian rất dài, công việc của ông chỉ là đi đến những cửa hàng nơi ký gửi sản phẩm Tivi của Matsushita để tư vấn và bán hàng. Tuy nhiên dù Toda có nỗ lực thế nào thì cũng chỉ nhận được sự lạnh nhạt, sự hững hờ và thậm chí là sự coi khinh. Không hề thiếu những ánh mắt khinh thường đối với một người Châu Á, đến từ một quốc gia vô cùng bé nhỏ mà chẳng người Mỹ nào biết đến - Đúng hơn là một quốc gia bại trận. Và đương nhiên là người Mỹ sẽ không bao giờ lựa chọn một sản phẩm mà khi đó được cho là hàng cao cấp như Tivi lại đến từ đất nước Nhật Bản. Họ sẽ chọn những sản phẩm có xuất xứ từ Mỹ hoặc Châu Âu.

Với sự chán nản trong thời gian dài, Toda Chosaku nghĩ rằng mình chắc chắn không thể hoàn thành công việc được giao và gọi điện cho trụ sở chính tại Nhật Bản. Ông nói với sếp “Em không thể làm được công việc này. Em không thể bán được dù chỉ là 1 chiếc Tivi Panasonic tại thị trường Mỹ”. Và thật sự rất bất ngờ, ông sếp đã nói rằng: “Nếu mày không bán được sản phẩm thì mày hãy bán mày đi”. Lúc nghe xong cuộc điện thoại này, Toda Chosaku cứ suy nghĩ mãi về câu chuyện “Mày bán mày đi”. Vậy có nghĩa là mình sẽ phải bán chính bản thân mình. Như nhìn thấy tia sáng cuối con đường, ngay sau khi ghim trong đầu câu nói đó thì suy nghĩ và tâm thế của anh chàng 24 tuổi - Toda Chosaku đã hoàn toàn thay đổi. Anh tiếp cận thị trường theo một hướng hoàn toàn khác.

Với 1 chiếc khăn lau bụi luôn luôn sẵn sàng trong túi, Toda đi đến tất cả các cửa hàng ký gửi Tivi Panasonic và cứ miệt mài, cần mẫn lau tất cả kệ giá và tất cả các sản phẩm có trong cửa hàng đó. Âm thầm và lặng lẽ khiến những kệ giá, sản phẩm thật sạch sẽ và bóng loáng. Bởi vì người Mỹ có những cửa hàng rất to và họ không có thời gian, không đủ nhân lực để chăm chút từng kệ giá sản phẩm. Cuối cùng, ông chủ của các cửa hàng bắt đầu mở lời với cậu Toda và hỏi: “Tại sao mày lại cứ miệt mài lau dọn như thế?”. Bắt đầu từ câu hỏi đó, bắt đầu từ những câu chuyện nhỏ đó thì chàng trai Toda cũng có cơ hội nói chuyện với người chủ tiệm, cũng như nói chuyện với những người khách hàng ở đó. Cuối cùng, câu chuyện về sản phẩm, về thị trường bắt đầu được hé mở. Hóa ra người Mỹ còn một nhu cầu nữa, hóa ra thị trường Mỹ còn một ngách nữa mà các công ty điện tử của Mỹ chưa chạm tới.

Đất nước Mỹ rộng lớn và người Mỹ thì vô cùng thích bóng chày, bóng chày được coi là “môn giải trí quốc gia” ở Mỹ. Thế nhưng mỗi lần mà họ phải lên xe ô tô để đi từ nhà đến siêu thị hay từ nhà ra nơi làm việc hoặc là di chuyển bằng tàu điện ngầm thì họ sẽ mất rất nhiều thời gian. Trong thời gian đó nếu có 1 trận bóng chày nào đang diễn ra thì họ phải chấp nhận bỏ lỡ. Điều đó khiến người Mỹ rất tiếc nuối. Và câu đặt ra đó là tại sao chúng ta lại không sản xuất một sản phẩm Tivi có thể mang đi được, xách tay được? Và ngay lập tức khi ý tưởng này hình thành trong đầu chàng thanh niên Toda, ông đã chuyển nó ngay về công ty mẹ tại Nhật Bản. Một ý tưởng về một sản phẩm ngách, một thị trường ngách phục vụ đúng nhu cầu và sở thích của người Mỹ. Và từ đó ý tưởng phát triển một sản phẩm mới để phục vụ thị trường Mỹ đã thành hiện thực.

Sản phẩm mới ra đời nhưng câu chuyện tiếp theo ở đây là làm thế nào để có thể bán được sản phẩm đấy trong thị trường Mỹ?

Và hành trình về việc xây dựng chiến lược bán hàng, xây dựng chiến lược Marketing cho sản phẩm tiếp tục trở thành thách thức mới của chàng trai Toda Chosaku. Sau thất bại ở năm đầu tiên bước chân vào thị trường Mỹ, ông khẳng định rằng “Nếu cứ tiếp tục chỉ có một mình mình thôi và cặm cụi đi các cửa hàng nhỏ thì sẽ không thành công”. Vì vậy ông đã có ý tưởng táo bạo cho lần xuất hiện của sản phẩm mới này, người Nhật sẽ không bán hàng tại thị trường Mỹ và tại thời điểm này nữa. Toda Chosaku quyết định sẽ sử dụng chính người Mỹ để bán hàng cho người Mỹ. Ông tiếp tục đề xuất với công ty mẹ là thuê một người bán hàng người Mỹ với mức lương gấp 40 lần mức lương Toda đang nhận. Và anh chàng người Mỹ đó sẽ có một nhiệm vụ chính là phát triển kênh bán hàng.

Tiếp theo, Toda đặt ra mục tiêu là không bán ở các kênh nhỏ lẻ nữa. Bởi lẽ đã là sản phẩm ngách, thị trường ngách thì chúng ta hoàn toàn có sự khác biệt riêng. Sản phẩm của chúng ta đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mới. Vì vậy tại sao không đi vào một siêu thị lớn nhất của Mỹ bấy giờ là Macy’s. Macy’s là một trong những địa chỉ chuyên bán hàng được nhiều người tin tưởng và ưa chuộng, đây là nhà bán lẻ hàng đầu tại Mỹ với nhiều cửa hàng và trung tâm thương mại khác nhau. Nghĩ là làm, Toda ngay lập tức liên hệ với công ty mẹ và bắt tay vào đàm phán với Macy’s để hiện diện sản phẩm Tivi mới trên kệ giá của Macy’s.

Qua thời gian, Tivi Panasonic dần dần có chỗ đứng trong thị trường Mỹ vô cùng khó tính và đầy thách thức đối với một công ty điện tử đến từ quốc gia Nhật Bản thời bấy giờ. Cuộc đời và sự nghiệp của thầy Toda Chosaku – giảng viên chương trình KEIEIJUKU là những câu chuyện vô cùng truyền cảm hứng cho hàng nghìn học viên Keiers – những nhà lãnh đạo doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, Campuchia, Mông Cổ, Myanmar, Lào, Uzbek,....

Những điều Thầy đã chia sẻ trong Kỳ 1 – Build Today For Tomorrow - Chương trình KEIEIJUKU

Suy nghĩ về dòng chảy thời đại mới

Tâm thay đổi, thái độ thay đổi

Thái độ thay đổi, hành vi thay đổi

Hành vi thay đổi, nhân cách thay đổi

Nhân cách thay đổi, cuộc đời thay đổi

" Không phải kẻ mạnh nhất là kẻ tồn tại. Cũng không phải là kẻ thông minh nhất là kẻ tồn tại. Chỉ có một kiểu người duy nhất có thể tồn tại được, đó là người có thể ứng phó được với mọi sự biến đổi"

" Trong tư duy quản trị kinh doanh, hãy nhìn bằng 3 con mắt: mắt chim, mắt cá, mắt kiến. Với mắt chim bạn có thể nhìn thấy được bức tranh toàn diện, tổng thế và sau đó chọn cho mình dòng chảy hay lĩnh vực dưới đôi mắt cá để sau đấy là sự nhìn nhận một cách cẩn thận, kỹ càng, cần mẫn như mắt kiến"

" Hãy bắt tay vào làm! Phải luôn luôn phát huy hết khả năng của mình mà không cần phải xấu hổ vì mình kém người khác. Nhưng cần phải biết xấu hổ nếu bản thân mình của ngày hôm nay không tiến bộ hơn mình của ngày hôm qua. Một lúc nào đó con đường sẽ mở ra trước mắt. Nếu luôn cố gắng, đương đầu với thử thách cho đến khi nào đạt được thành công thì sẽ không bao giờ thất bại."

Viện VJCC cũng xin giới thiệu về kinh nghiệm của người Thầy đáng kính này:

Tốt nghiệp Cao học Đại hoc Havard.

Từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như:

Tổng Giám đốc Công ty Công nghiệp Điện tử Matsushita UK

Giám đốc Công ty Công nghiệp Điện tử Matsushita

Tổng giám đốc Tập đoàn EPF (Đây là tập đoàn phát thanh được liên kết bởi 4 Tập đoàn điện tử lớn nhất Nhật Bản: Panasonic, Sony, Hitachi, Toshiba)

Giám đốc Học viện đào tạo sinh viên Cao học thuộc Matsushita Scholarship

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thông tin Nhật Bản

Phụ trách nhiều dự án lớn trên phạm vi toàn cầu: Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin dữ liệu Motorbike tại Trung Quốc, Anh, Mỹ; Giải pháp dự án nước ngoài tại Mỹ và Châu Âu; Tái thiết lập dự án truyền hình toàn cầu và phát triển dự án mới tại Nhật Bản… Viện VJCC mong muốn với những chia sẻ này sẽ tiếp thêm động lực cho những người đã, đang và sẽ trở thành doanh nhân chủ các ngành công nghiệp Việt Nam.

---------------------------------------

Với hơn 20 năm đồng hành cùng doanh nhân Việt, Viện VJCC khẳng định những giá trị thực tiễn được đúc kết trong khoá học KEIEIJUKU sẽ mang đến cho học viên vô vàn trải nghiệm quý báu và DUY NHẤT tại Việt Nam.

Khóa học nổi bật

Các khóa học sắp diễn ra

Tin tức nổi bật

Xem thêm

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN KHÓA HỌC