TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI HỌC THUẬT VÀ THỰC TIỄN GIỮ VIỆN VJCC VÀ TRƯỜNG KINH DOANH WASEDA, ĐẠI HỌC WASEDA NHẬT BẢN

Mục lục (Ẩn / Hiện)


NGƯỜI ĐĂNG: VÕ NGUYÊN PHONG

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện VJCC - Trường Đại học Ngoại thương và Trường Kinh doanh Waseda (Waseda Business School, Đại học Waseda, Nhật Bản), ngày 05 và 06 tháng 5 năm 2025, Viện VJCC đã phối hợp với Phòng nghiên cứu Osanai (Osanai Zemi) tổ chức hai hoạt động nổi bật tại Việt Nam: Tọa đàm sinh hoạt chuyên môn với Bộ môn Nghiệp vụ Viện VJCC và tham quan, khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Đồ gỗ Hướng Mai.

Chiều ngày 05/05/2025, Bộ môn Nghiệp vụ - Viện VJCC đã chủ trì Tọa đàm chuyên môn với sự tham gia của Giáo sư Atsushi Osanai cùng đoàn học viên MBA đến từ Waseda Business School. Từ phía Viện VJCC, có sự tham dự của ThS. Trần Thị Kiều Minh - Phó Viện trưởng Viện VJCC, TS. Hoàng Anh Duy - Trưởng Bộ môn Nghiệp vụ Viện VJCC, cùng các giảng viên BMNV và các sinh viên trong các nhóm nghiên cứu đến từ Viện VJCC và các Khoa/Viện khác thuộc Trường Đại học Ngoại thương. 

Toàn thể các giảng viên và sinh viên chụp ảnh kỷ niệm

Mở đầu chương trình, ThS. Trần Thị Kiều Minh - Phó Viện trưởng Viện VJCC - đã giới thiệu tổng quan về Trường Đại học Ngoại thương và Viện VJCC, nhấn mạnh vai trò của VJCC trong việc lan toả tri thức, kết nối doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy tư duy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng.

ThS. Trần Thị Kiều Minh giới thiệu tổng quan về Trường Đại học Ngoại thương và Viện VJCC

Tiếp nối là phần trình bày và thảo luận xung quanh 4 bài nghiên cứu của các diễn giả đến từ cả hai phía Việt Nam và Nhật Bản, thể hiện sự giao thoa giữa lý luận và thực tiễn trong các lĩnh vực quản trị, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Phần chia sẻ đầu tiên đến từ anh Masanori Kitahara - học viên MBA tại Waseda Business School, đồng thời là điều hành cấp cao của nền tảng gọi vốn cộng đồng Makuake - với chủ đề “Accelerating Innovation in Japan through Makuake”. Makuake là nền tảng số hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng ra mắt sản phẩm mới và thử nghiệm thị trường trước khi sản xuất đại trà. Với mô hình doanh nghiệp nền tảng (platform business), Makuake góp phần rút ngắn chu kỳ đổi mới, kết nối trực tiếp nhà sáng tạo với người tiêu dùng và thúc đẩy một hệ sinh thái đổi mới năng động.
 

Anh Masanori Kitahara - học viên MBA - Waseda Business School với chủ đề

“Accelerating Innovation in Japan through Makuake”

Tiếp theo là bài trình bày với chủ đề “Innovation in the Traditional Craft Companies” của chị Shibata - học viên MBA tại Waseda và hiện là người sáng tạo nội dung tại Kokuhaku Inc. Chị giới thiệu về MUFG KOGEI Project - một dự án trách nhiệm xã hội (CSR) của Tập đoàn Tài chính MUFG nhằm bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống Nhật Bản trong bối cảnh hiện đại. Đây là cơ hội để các nghệ nhân đổi mới, gìn giữ di sản văn hoá, vượt qua giới hạn cũ và kết nối sâu hơn với công chúng.“Innovation in the Traditional Craft Companies”
 

Chị Shibata - học viên MBA - Waseda Business School với chủ đề

“Innovation in the Traditional Craft Companies”

Đại diện  phía Việt Nam, nhóm sinh viên Trần Thái Hưng và Nguyễn Minh Phương - dưới sự hướng dẫn của ThS. Đinh Văn Hoàng - đã trình bày nghiên cứu “The Impact of Perceived Value in Promoting Sustainable Purchase Behavior: The Mediating Role of Green Intrinsic Motivation”. Nghiên cứu tập trung làm rõ vai trò của giá trị cảm nhận trong việc thúc đẩy hành vi tiêu dùng bền vững cùng với vai trò trung gian của động lực nội tại xanh, đồng thời đề xuất những hàm ý thực tiễn cho các doanh nghiệp theo đuổi chiến lược tăng trưởng xanh.

Nhóm sinh viên Trần Thái Hưng và Nguyễn Minh Phương với chủ đề “The Impact of Perceived Value in Promoting Sustainable Purchase Behavior: The Mediating Role of Green Intrinsic Motivation”.

Đại diện cho giảng viên của BMNV Viện VJCC, ThS. Đinh Văn Hoàng tiếp tục chia sẻ nghiên cứu chủ đề “Leveraging Digital Dynamic Capabilities, Digital Transformation Leadership and Digital Absorptive Capacity for Sustainable Competitive Advantages in Emerging Market Manufacturing SMEs”, nhấn mạnh vai trò của năng lực số, khả năng hấp thụ tri thức và năng lực lãnh đạo chuyển đổi số trong việc tạo dựng lợi thế cạnh tranh bền vững cho các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ tại các thị trường mới nổi.

ThS. Đinh Văn Hoàng với chủ đề “Leveraging Digital Dynamic Capabilities, Digital Transformation Leadership and Digital Absorptive Capacity for Sustainable Competitive Advantages in Emerging Market Manufacturing SMEs”

Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí cởi mở, sôi nổi và gắn kết. Các phần trao đổi và hỏi đáp giữa giảng viên và học viên hai bên không chỉ giúp làm sáng tỏ thêm các khía cạnh học thuật mà còn góp phần xây dựng cầu nối hợp tác bền chặt giữa hai đơn vị. Kết thúc chương trình, TS. Hoàng Anh Duy - Trưởng Bộ môn Nghiệp vụ - đã tổng kết và gửi lời cảm ơn chân thành đến Giáo sư Atsushi Osanai cùng đoàn học viên từ Waseda Business School. Đáp lại, Giáo sư Osanai cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Viện VJCC và bày tỏ mong muốn hai bên sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong thời gian tới.

GS. Osanai gửi lời cảm ơn và đánh giá cao sự hợp tác với Viện VJCC

Trong ngày tiếp theo của chuyến thăm Việt Nam, 6/5/2025, Viện VJCC kết nối đoàn học viên của Osanai Zemi, WBS đến thăm quan, khảo sát tại Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai với mục tiêu tìm hiều về hoạt động quản trị đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam.

Tại đây, giáo sư cùng đoàn học viên được đắm chìm vào không gian văn hoá cổ truyền với những bộ bàn ghế gỗ mun, gỗ lim được điêu khắc 100% thủ công bởi những nghệ nhân của xã Đồng Kỵ. Đoàn học viên đã được tham quan showroom 9 tầng với đa dạng các loại bàn ghế, trường kỷ được chạm khắc với những hoạ tiết và đường nét tinh xảo. Những ánh mắt háo hức, những nụ cười rạng rỡ và sự ngạc nhiên thích thú của các vị khách là minh chứng rõ nét nhất cho vẻ đẹp tinh xảo, giàu hồn dân tộc của làng nghề Việt. Mỗi lời chia sẻ, mỗi câu hỏi đến từ giáo sư Osanai những học viên trường Kinh doanh Đại học Waseda đều thể hiện sự trân trọng và quan tâm chân thành đến văn hóa - kinh tế bản địa, khiến không khí buổi gặp gỡ trở nên ấm áp và đầy kết nối.

Không dừng lại ở đó, bà Vũ Thị Mai, CEO Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai, đã giới thiệu về lịch sử hình thành của công ty cũng như hành trình từ một người thợ trở thành CEO của công ty như hiện tại. Những khó khăn trong quá trình mở rộng quy mô doanh nghiệp, những cơ duyên đưa bà đến với những người thợ lành nghề và khách hàng lớn cùng với đó là ước mơ đem giá trị truyền thống của nghề gỗ Việt Nam vươn ra thế giới là những điểm thu hút sự quan tâm của giáo sư Atsushi Osanai và tập thể học viên trong phần chia sẻ của bà. Trong hành trình ấy, triết lý kinh doanh 3 bên cùng có lợi, kinh nghiệm quản trị từ các chuyên gia Nhật Bản và tạo ra lợi nhuận vì lợi ích xã hội là những điều tâm đắc mà bà học được từ khoá học Keieijuku tại Viện VJCC, điều đã góp phần không nhỏ giúp doanh nghiệp Hướng Mai có được vị thế như ngày hôm nay.

Chuyến tham quan tới Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai của Giáo sư Atsushi Osanai cùng đoàn học viên từ Waseda Business School

Hai ngày làm việc của đoàn Trường Kinh doanh Waseda tại Việt Nam không chỉ là dịp để trao đổi chuyên môn, mà còn là cầu nối thực tiễn giữa nhà trường - doanh nghiệp - cộng đồng. Viện VJCC tự hào đóng vai trò kết nối quan trọng, góp phần lan tỏa tinh thần hợp tác, học tập và phát triển cùng nhau giữa Việt Nam và Nhật Bản.

 

Khóa học nổi bật

Các khóa học sắp diễn ra

Tin tức nổi bật

Xem thêm

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN KHÓA HỌC