BẠN BIẾT GÌ VỀ GIA HUY NHẬT BẢN?

Mục lục (Ẩn / Hiện)

Chắc hẳn các bạn đã từng biết đến “Gia huy” Nhật Bản qua các phim ảnh hay manga về đề tài lịch sử rồi nhỉ! Gia huy là một nét văn hóa truyền thống của xứ sở mặt trời mọc và vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay. Tuy rằng thời nay, Gia huy không còn được phổ biến như trước, nhưng đây vẫn là đặc trưng văn hóa độc đáo không thể bỏ qua khi nhắc đến nước Nhật.

1.Gia huy là gì?

Trong tiếng Nhật, “gia huy” là “家紋”, đọc là kamon. “Ka” có nghĩa là gia tộc, gia đình, còn “Mon” nghĩa là biểu tượng. Kamon là huy hiệu riêng, biểu tượng riêng của một gia đình hoặc gia tộc, được kế thừa từ đời này sang đời khác. Có thể nói đây là dấu ấn riêng của từng gia đình. 

Nếu xét theo các tiêu chuẩn Kamon, người ta ước tính rằng có hơn hai nghìn biểu tượng. Nếu tính cả các biểu tượng chỉ khác nhau một vài chỗ thì phải có đến hơn 20.000 loại gia huy.

Các mẫu Kamon thường có hình dạng tròn. Chúng có thể mang trong mình các yếu tố tự nhiên như động vật, thực vật, hoa, cây cối,... Các yếu tố trên trời như mặt trăng và các vì sao, hoặc tôn giáo như chữ Vạn Phật giáo cũng là nguồn cảm hứng cho các biểu tượng. Thông qua gia huy, người ta có thể phân biệt được nguồn gốc, lịch sử và địa vị xã hội của một gia đình tại Nhật Bản.

2. Lịch sử của gia huy:

Các biểu tượng được cho là đã xuất hiện trong Thời kỳ Asuka. Vào thời kỳ Heian, giới quý tộc bắt đầu đặt các biểu tượng lên xe bò của họ, đi trên các đường phố và khoe chúng. Sau đó, nó trở nên phổ biến với giới quý tộc và các biểu tượng khác dần được tạo ra.

Đến thời đại Muromachi, kiểu dáng của Kamon được sửa đổi tinh tế và mang tính biểu tượng hơn trước đây. Thời điểm này, các chiến binh samurai cũng bắt đầu sử dụng Kamon. 

Thời kỳ Edo, việc sử dụng Kamon đã trở nên phổ biến và rộng rãi khắp Nhật Bản. Vào thời kỳ này, việc lựa chọn Kamon khá tự do, chỉ cần tránh Kamon hình lá thục quỳ của nhà Tokugawa là được. Không chỉ giới quý tộc mà các gia đình giàu có cũng sử dụng Kamon. Họ cũng sáng tạo ra nhiều loại Kamon độc đáo, mới mẻ, góp phần làm số lượng Kamon gia tăng nhanh chóng.

Khi đến thời Meiji, chính phủ đã lập ra hiến pháp mới nhằm cải cách xã hội. Từ đó, mọi người dần quan tâm nhiều hơn đến thực lực mỗi cá nhân, hơn là theo dõi xuất thân, dòng dõi mỗi người thông qua Kamon. Điều này làm giảm đi khá nhiều ý nghĩa văn hóa của Kamon. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, số lượng Kamon đã giảm đi đáng kể.

3. Kamon ngày nay

Ngày nay, hầu như tất cả các gia đình và dòng họ tại Nhật Bản đều sở hữu một Kamon riêng. Kamon cũng vì thế mà còn được sử dụng để xác định về gia đình và tổ tiên. Tuy vậy, người Nhật hiện đại thường không quá quan tâm đến gia huy. Khi họ cần dùng đến gia huy mà không biết gia huy của dòng họ mình là gì, họ có thể tìm hiểu thông qua các ấn phẩm về gia huy đã phát hành, trong các đền thờ tại quê hương họ, hoặc sử dụng các dịch vụ tra cứu. Cùng một dòng họ nhưng ở nhiều nơi có thể sử dụng các mẫu gia huy khác nhau, vì thế có trường hợp ta không thể tìm được chính xác gia huy của dòng họ mình.

Một số Kamon có thể được nhìn thấy phổ biến là Kamon trên hộ chiếu của Nhật Bản. Đây chính là Kamon của Hoàng Thất Nhật Bản. Kamon cũng được sử dụng rộng rãi bởi những cửa hàng thủ công truyền thống và các cửa hàng đặc sản vùng miền. Các cửa hiệu cũng có xu hướng in Kamon trên các rèm cửa ra vào, trên cửa, đèn lồng, mái ngói gốm, bao bì, danh thiếp, website và trên các vật trang trí, v.v.. Logo của thương hiệu Mitsubishi cũng bắt nguồn từ Kamon.

Hộ chiếu Nhật Bản có in hình quốc huy

Một cửa hàng có sử dụng Kamon

Kamon trên đèn lồng

Dù trải qua nhiều biến động, nhưng đến nay Gia huy vẫn là một nét đẹp trong văn hóa của đất nước Nhật Bản. Đây là một điểm đặc biệt của xứ sở mặt trời mọc mà bạn không thể bỏ qua.

Khóa học nổi bật

Các khóa học sắp diễn ra

Tin tức nổi bật

Xem thêm

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN KHÓA HỌC