CÂU CHUYỆN ĐÔI ĐŨA NHẬT BẢN

Mục lục (Ẩn / Hiện)

Nhập gia tùy tục - việc cầm đũa ăn tưởng chừng như vô cùng đơn giản với bất cứ người Việt nào, thế nhưng cầm đũa đúng cách thức văn hóa Nhật lại là một câu chuyện khác. Nhật Bản vốn là một quốc đảo cô lập với thế giới bên ngoài qua hàng trăm năm, với bề dày văn hóa truyền thống lịch sử nổi tiếng với những quy tắc luật lệ vô cùng nghiêm ngặt, việc cầm đũa như thế nào cho đúng cách vì thế cũng không hề đơn giản. Học cách cầm đũa đúng kiểu Nhật chắc chắn sẽ giúp trải nghiệm ẩm thực của bạn thêm phần phong phú và sâu sắc, nhất là vào những dịp trang trọng hay đi công tác làm ăn ở Nhật.

Dưới đây là một vài lưu ý cơ bản để bạn có thể gây ấn tượng với bạn bè Nhật Bản chỉ bằng việc cầm đũa.

 Trân trọng chính đôi đũa

Hãy luôn luôn dùng cả hai tay khi nhận đũa từ người khác hoặc khi mới cầm đũa lên bắt đầu bữa ăn. Cũng giống như thìa hay dĩa, đừng nghịch đũa hay cầm đũa trỏ vào ai trong khi ăn. Đặc biệt, đừng bao giờ dùng đũa gõ gõ vào bát ăn như đánh trống, việc này được coi là vô cùng vô lễ.

 Đặt đũa đúng cách

Đa phần các nhà hàng nào cũng sẽ đưa bạn cái đặt đũa - hay còn gọi là hashioki. Khi không dùng đến đũa, hãy nhẹ nhàng đặt đũa lên hashioki. Tuy nhiên trong trường hợp nhà hàng không phục vụ hashioki, hãy cố gắng để đũa thật ngay ngắn tại chỗ bàn mình. Luôn nhớ đặt đũa nằm ngang vì kể cả khi không dùng đến, việc để đũa chỉ vào ai vẫn bị coi là hành vi thất lễ.

 立て箸(Tatebashi) - Đừng bao giờ dựng thẳng đũa cắm vào bát cơm!

Người Nhật chỉ làm như này khi cúng cơm cho người đã khuất, vì thế đừng bao giờ cắm đũa vào bát. Nhiều người còn cho rằng làm như thế này sẽ đem lại vân xui cho bạn.

 刺し箸(Sashibashi) - Đừng dùng đũa để chọc thức ăn!

Đúng vậy! Đừng dùng đũa để bới hay chọc thức ăn, việc này rất thất lễ. Đũa luôn luôn phải dùng hai chiếc với nhau.

 渡し箸(Watashi-bashi) - Đừng đặt đũa ngang trên bát!

Đặt đũa ngang trên bát trong khi bát vẫn còn thức ăn có nghĩa là bạn không muốn ăn nữa và nhiều đầu bếp có thể cảm thấy bị xúc phạm. Vậy nên như chúng mình đã giới thiệu ở trên, hãy cố gắng tận dụng hashioki - cái đặt đũa nhé!

 指し箸 (Sashi-bashi) - Đặt đũa xuống khi bạn cần dừng để nói chuyện

Bạn có hay chuyển động tay khi nói không? Nếu có thì bạn càng nên đặt đũa xuống khi cần dừng để nói chuyện, trước khi bạn vô thức cầm luôn cả đũa quăng qua quăng lại. Hãy nhớ việc cầm đũa chỉ vào ai, dù cố ý hay vô tình, cũng đều coi là rất bất lịch sự: đũa chỉ được dùng để ăn thôi.

 箸渡し (Hashi-watashi) - Đừng dùng đũa để gắp chuyền thức ăn

Người Nhật có tập tục dùng đũa để gắp chuyền xương cốt người chết để cho vào hũ xương cốt. Thế nên đừng bao giờ cầm đũa gắp chuyền thức ăn vì đây là điều tối kị trên bàn ăn của người Nhật.


 

Không chỉ tại Nhật Bản, đôi đũa cũng là một hình ảnh quen thuộc đối với mỗi người Việt Nam. Thế nhưng, đâu đó vẫn tồn tại những sự khác biệt về hình thức và ý nghĩa của đôi đũa với mỗi quốc gia. Vậy hãy cùng tìm hiểu những nét khác biệt thú vị này nhé!

 Đũa ở Việt Nam

 

Đũa Việt dùng để ăn cơm chủ yếu làm từ tre, có gỗ (gỗ mun), hai đầu có thể bằng nhau hoặc một đầu thon hơn nhưng không nhọn. Bởi vì:

- Người Việt không làm đũa nhọn đầu vì trông giống vũ khí, tạo ấn tượng nguy hiểm. Bên cạnh đó, gạo tẻ người Việt thường ăn thì ít độ kết dính, khi ăn, người Việt đưa bát cơm lên gần miệng nên cần dùng đũa có đầu bằng để “và”.

- Người Việt có văn hóa ăn một mâm chung, lấy thức ăn từ đó và có thói quen gắp cho nhau. Bởi vậy, đôi đũa đặc trưng của Việt Nam khá dài.
 

Đũa ở Nhật Bản
 

Đũa Nhật dùng để ăn cơm chủ yếu làm từ gỗ, có độ dài khiêm tốn và đầu đũa được vót khá nhọn. Đôi đũa của người Nhật có thiết kế khác biệt do:

- Trong bữa ăn của người Nhật thường có các món như hải sản, cá, cơm nắm,… đây là các món ăn khá mềm và dễ bị nát. Việc đầu đũa được vót nhỏ sẽ giúp việc gắp thức ăn tiện hơn. Đũa Nhật nhọn chủ yếu là do người Nhật dùng để gỡ xương cá, dễ xử lí khi ăn cá. Nguyên nhân khác là do Gạo tẻ Nhật có độ kết dính nhiều, khi ăn, người Nhật không “và” mà dùng đôi đũa xắn vào bát cơm lấy từng miếng cho vào miệng.

- Một bàn ăn của người Nhật sẽ chia làm suất ăn cho từng người, món ăn của mỗi người sẽ cho vào bát đĩa riêng, chỉ có vài món ăn chung. Do đó họ không cần phải với và cũng không có thói quen gắp thức ăn cho nhau nên đôi đũa dài là không cần thiết.

 Có những quy tắc ngược nhau giữa người Việt và người Nhật khi dùng đũa:

 Kakikomibashi – かきこみ箸: đưa bát cơm lên miệng và dùng đũa lùa thức ăn vào miệng. Đây là hành động “và” cơm bình thường của người Việt, nhất là khi ăn cơm canh, tuy nhiên, đối với người Nhật thì hành động đó là không lịch sự. Như cách giải thích từ đầu của chúng tôi, điều này có liên quan đến gạo dẻo và không dẻo. Tuy nhiên, ở Nhật, có một món ăn được phép dùng động tác “và”, đó là món “ochazuke” tức là món cơm, cá sake hoặc mơ muối, chan với nước trà nóng, bây giờ ở các quán thường dùng nước sôi. Thông thường người Nhật dùng món này khi kết thúc buổi uống rượu.

 Ngoài ra, với những món ăn có nước như udon, soba, ramen ở Nhật hay phở, bún, miến,… ở Việt Nam thì cách ăn cũng có khác nhau. Người Nhật lùa sợi vào miệng và dùng hơi hút vào, tiếng kêu càng to càng tạo cảm giác tốt. Người Việt nếu ăn như vậy thì sẽ bị coi là không lịch sự.

 Đặc biệt, trong gia đình Nhật Bản, mỗi người có một đôi đũa riêng với hình thức, kích thước, màu sắc khác nhau: đũa của bố, đũa của mẹ, đũa của con, đũa dành cho khách. Đũa dành cho khách là đôi đũa mới, với màu sắc, kích cỡ, hình thức khác với đũa của những người trong gia đình và khi khách về rồi thì đôi đũa đó cũng được bỏ đi.

 Đối với gia đình Việt thì không như thế, vì vậy trong bữa cơm của gia đình người Việt, có hành động “so đũa” và các đôi đũa về cơ bản là phải bằng nhau.

Cre: Sưu tầm & Tổng hợp

Khóa học nổi bật

Các khóa học sắp diễn ra

Tin tức nổi bật

Xem thêm

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN KHÓA HỌC