TOP 3 LOẠI MỲ NỔI TIẾNG CỦA NHẬT BẢN

Mục lục (Ẩn / Hiện)

Nếu như phở là món ăn nổi tiếng khi nhắc đến ẩm thực Việt Nam thì Nhật Bản lại được biết với các món mì sợi dài dẻo dai ăn kèm với nước súp thanh ngọt, đậm đà. Hãy cùng Ban tiếng Nhật Viện VICC điểm danh Top 3 món mì nổi tiếng của Nhật Bản nhé!

Mì Ramen



Ramen có lẽ là món mì nổi tiếng nhất Nhật Bản và được người Nhật đặc biệt ưa chuộng và tự hào. Bạn đã từng thắc mắc tại sao món mì này nổi tiếng khắp Nhật Bản và được thế giới biết đến chưa?

Có lẽ điều đặc biệt làm nên tên tuổi của Ramen là sợi mì. Sợi mì Ramen thường được làm từ lúa mì, muối và kansui (chất phụ gia), có màu vàng vàng, khá mảnh và có độ xoăn, cong nhất định. Ngoài sợi mì nhỏ, dai và nước dùng đậm đà thì phần nhân bổ sung cũng hấp dẫn không kém, thông thường mì Ramen được ăn kèm thịt lợn thái lát (chaashuu), rong biển khô (nori), kamaboko (chả cá Nhật Bản), … tạo nên một hương vị khó quên. Mì ramen thường được ăn kèm súp, nước lèo nóng được hầm từ xương heo hoặc xương gà trong khoảng ít nhất 10 tiếng để đảm bảo độ ngon ngọt, đậm đà. Hầu như mỗi địa phương của Nhật Bản đều có hương vị Ramen riêng như Tonkatsu Ramen (Kyuushuu), Miso Ramen (Hokkaido), ....

Tại mảnh đất xứ sở Phù Tang ngày nay có hơn 30,000 tiệm mì ramen, và người ta tính chỉ riêng Tokyo trung bình mỗi ngày có thêm hơn 2 tiệm mì ramen được mở. Đặc biệt, Mì Ramen được ưu ái đến mức, vào năm 1994, một bảo tàng Ramen đã được mở tại Yokohama với rất nhiều những hiện vật trưng bày thú vị về lịch sử ra đời và phát triển của món ăn này tại Nhật Bản. 

Mì Soba



Không chỉ Ramen, mì soba cũng là loại mì được xếp hạng nhất nhì trong số các loại mì ở Nhật Bản. Đây là loại mì được làm từ bột kiều mạch, độ dày của nó giống mì spaghetti của Ý. Có khá nhiều loại mì Soba nhưng mì “Toshikoshi Soba” được xem là loại mì Soba quý giá nhất bởi nó thường chỉ được ăn vào đêm giao thừa của hàng năm.

Mì Soba được chế biến theo các kiểu nóng lạnh khác nhau tùy khẩu vị của từng người. Trong đó, mì lạnh được dùng với nước chấm riêng, còn mì nóng giống mì nước thông thường. Trong mì soba, tỷ lệ bột kiều mạch thường dao động từ 40% đến 100% để mì không bị gãy. Với sự kết hợp từ nhiều loại nước dùng đặc trưng đến từ vùng Kantou, nước súp Dashi, nước sốt Mirin và nước tương Koikuchi làm nên hương vị và màu sắc của bát mì Soba.

Ngày nay, mì soba đã đi sâu vào đời sống của người dân Nhật Bản như là Hikkoshisoba dùng để đem tặng hàng xóm khi họ chuyển nhà hay Nenkoshisoba được ăn trong ngày đầu năm mới.

Mì Udon



Cũng giống như các loại mì khác, vẫn được làm từ bột mì và qua bàn tay nhào nặn khéo léo của thợ nhào nhưng điều gì khiến mì Udon khác so với các loại mì khác nhỉ? Có lẽ điểm dễ nhận biết nhất ở Udon là mì ống Nhật Bản, sợi mì khá dày, dày nhất trong các loại mì phổ biến ở Nhật, đường kính thông thường khoảng 1cm. Sợi mì udon vị nhạt nên hay được ăn cùng các loại nước dùng nấu từ nước tương, dashi và rượu mirin, sở hữu hương vị thanh ngọt và vô cùng thơm ngon. Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu thưởng thức và hương vị ẩm thực của nhiều người nên mì Udon đã có nhiều cách chế biến mới lạ. Tuy nhiên, phần nước dùng truyền thống vẫn luôn được người dân Nhật Bản và du khách quốc tế yêu mến và đánh giá cao. Cũng giống mì Soba, mì Udon có thể ăn nóng hoặc lạnh tùy sở thích của mỗi thực khách. Người ta thường ăn mì Udon lạnh kết hợp một số loại rau như bắp cải, dưa leo vào những ngày hè nóng nực. Trong khi đó Udon nóng với phần nhân là giấm và lòng đỏ trứng gà cho ngày đông lạnh giá cũng để lại hương vị khó quên.

Điều đặc biệt là nếu như văn hóa không được tạo ra âm thanh khi dùng bữa đã trở thành phong cách của nhiều quốc gia, nhưng ở Nhật Bản khi ăn Udon hay Soba mà tạo ra âm thanh lại là một cách thể hiện sự yêu thích món ăn và thể hiện sự biết ơn đối với những người đã làm nên bát mì này. Bởi thế, còn gì tuyệt vời hơn nếu được thưởng thức 3 món mì nổi tiếng nhất  Nhật Bản tại chính xứ sở Phù Tang nhỉ?

Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp

 

Khóa học nổi bật

Các khóa học sắp diễn ra

Tin tức nổi bật

Xem thêm

ĐĂNG KÝ NHẬN TƯ VẤN KHÓA HỌC